Phóng viên Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM – xung quanh sự chuẩn bị của địa phương cho sự kiện này.
Cơ sở vật chất là vấn đề lớn nhất của thể thao TPHCM để tổ chức Đại hội năm 2026? Vậy khi nào địa phương sẽ bắt tay sửa chữa, nâng cấp các công trình như: Nhà thi đấu Phú Thọ, Trung tâm Thể thao Hoa Lư… thưa ông?
– Tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 9.2023, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết cấp kinh phí đầu tư công trung hạn để sửa chữa và xây mới 6 cơ sở với tổng kinh phí 950,7 tỉ đồng.
Các công trình này dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2025 chào mừng 50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Ngoài ra, kỳ họp thứ 13 năm 2023 của HĐND TPHCM vừa diễn ra cũng thông qua nghị quyết đầu tư BT 18 công trình trong lĩnh vực thể dục thể thao, trong đó hầu hết công trình đều nằm trong khu thể thao Rạch Chiếc.
Là địa phương đăng cai chính Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 có ý nghĩa như thế nào với TPHCM?
– Thông qua tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc trực tiếp sẽ góp phần tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của thể dục thể thao (TDTT) nhằm phát triển con người toàn diện về thể chất, tinh thần; Thúc đẩy phát triển phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân…
Đồng thời, thông qua sự kiện cũng giúp tập trung các nguồn lực của Trung ương và địa phương nhằm phát triển lực lượng vận động viên, nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm; rà soát, đánh giá lực lượng vận động viên của các địa phương, ngành, qua đó bổ sung lực lượng cho các đội tuyển thể thao chuẩn bị tham dự Olympic, ASIAD, SEA Games cũng như các giải quốc tế khác.
Đây cũng chính là dịp để đánh giá một cách toàn diện kết quả phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của cả nước sau mỗi chu kỳ 4 năm.
Ông nghĩ thể thao TPHCM có vai trò như thế nào trong nền thể thao cả nước?
– Sau 9 kỳ tổ chức, có 5 tỉnh thành từng được trao trọng trách là địa phương đăng cai chính của Đại hội gồm: Hà Nội (năm 1985, 1990, 1995, 2002, 2018), TPHCM (2006), Đà Nẵng (2010), Nam Định (2014) và Quảng Ninh (2022).
Năm 2026, với những ngày lễ trọng đại của TPHCM, trong đó có kỷ niệm 50 năm Ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức, vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2.7.1976 – 2.7.2026), đồng thời, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, TPHCM phấn đấu trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500USD. Từ mục tiêu đó cho thấy, TDTT TPHCM cũng phải có vai trò và vị trí đặc biệt trong sự nghiệp phát triển TDTT.
Thể thao TPHCM đặt mục tiêu gì tại Đại hội năm 2026?
– Chúng tôi không đặt mục tiêu giành nhiều huy chương và vượt lên thứ hạng cao nhất. Thay vào đó, thể thao TPHCM đặt mục tiêu đạt thành tích cao và chất lượng ở các môn thể thao trọng điểm Olympic, các môn ASIAD và giới thiệu được lực lượng tài năng và có triển vọng sắp tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!