Cầu thủ không có dòng máu Việt Nam vẫn có thể được lên ĐTQG dựa vào năng lực đã được kiểm chứng, nhưng nội bộ VFF chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm này.
Đội tuyển từng triệu tập nhiều cầu thủ không mang dòng máu Việt Nam giai đoạn 2008-2009, như Phan Văn Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley Alves. Tuy nhiên, nhóm cầu thủ này chỉ được thi đấu ở các trận giao hữu, trong thời gian ngắn.
Quan điểm không gọi cầu thủ không mang dòng máu Việt Nam lên các ĐTQG được duy trì suốt 15 năm qua. Một khi phụ thuộc vào chủ trương chung, ngành thể thao hay các liên đoàn thể thao không phải đơn vị có thể tự quyết định.
Nhưng theo nguồn tin của VnExpress, điều này có thể sẽ được thay đổi thời gian tới, với việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhắm đến triệu tập Rafaelson. Tiền đạo sinh năm 1997 tại Brazil, đã thi đấu ở Việt Nam từ 2020. Ngày 20/9, anh đã nhận quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, với tên Nguyễn Xuân Son.
Năng lực của Son đã được kiểm chứng sau năm mùa V-League, chơi cho Nam Định, Đà Nẵng và Bình Định. Không tính mùa 2021 bị huỷ vì Covid-19, anh đã ghi 70 bàn sau 96 trận tại V-League, Cup Quốc gia và Siêu cup Quốc gia, để đạt hiệu suất 0,73 bàn mỗi trận. Đây là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong một mùa giải VĐQG Việt Nam với 31 bàn (2023-2024), vượt kỷ lục 25 bàn của Lê Huỳnh Đức lập năm 1996 – khi còn mang tên giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc.
Trong bối cảnh ĐTQG sa sút về thành tích sau giai đoạn cực thịnh thời Park Hang-seo, nhiều tuyển thủ trụ cột có dấu hiệu xuống phong độ trong khi lứa trẻ chưa thể khỏa lấp vị trí tương xứng, những cầu thủ như Son có thể trở thành làn gió mới.
Tuy nhiên, số lượng cầu thủ nhập tịch có khả năng lên ĐTQG hiện tại rất hạn chế. Ngoài Son, những cầu thủ nhập tịch đang thi đấu ở Việt Nam đã luống tuổi như tiền đạo gốc Nigeria Hoàng Vũ Samson của Quảng Nam, hoặc đã thi đấu cho đội tuyển Uganda như tiền vệ Trần Trung Hiếu của Bình Dương. Một số CLB đang lên kế hoạch nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài thi đấu đủ 5 năm ở Việt Nam, trong đó có Hà Tĩnh với tiền đạo Brazil Geovane Magno.
Tuy nhiên, dù VFF muốn, Son cũng chưa chắc có thể thi đấu cho Việt Nam ngay tại AFF Cup 2024, do vướng quy định của LĐBĐ thế giới FIFA. Sổ tay pháp lý 2024 của FIFA quy định cầu thủ có quốc tịch mới, nhưng chưa thi đấu quốc tế, đủ điều kiện chơi cho ĐTQG vừa mới nhập tịch trong bốn trường hợp, gồm cầu thủ này sinh ra trên lãnh thổ đội tuyển liên quan; bố ruột hoặc mẹ ruột sinh ra trên lãnh thổ đội tuyển liên quan; bà hoặc ông sinh ra trên lãnh thổ đội tuyển liên quan; “đã sống trên lãnh thổ có đội tuyển liên quan” ít nhất ba năm trước 10 tuổi, ít nhất năm năm sau 10 tuổi.
Son thuộc trường hợp thứ tư. Anh đến Việt Nam vào tháng 12/2019 và ký hợp đồng với Nam Định từ ngày 12/1/2020. Tuy nhiên, FIFA không tính mốc thời gian bắt đầu sống là thời điểm ký hợp đồng.
VFF phải cung cấp hồ sơ pháp lý và đưa ra lý lẽ, để chứng minh Xuân Son sống ở Việt Nam năm năm liên tục, với số lượng ngày tối thiểu. FIFA diễn giải “đã sống trên lãnh thổ có đội tuyển liên quan” nghĩa là một cầu thủ phải hiện diện về mặt vật lý ở lãnh thổ liên quan trong tối thiểu 183 ngày mỗi 12 tháng, tính từ thời điểm bắt đầu.
Khoảng thời gian trên được tính là gián đoạn và phải tính lại, khi cầu thủ chuyển đến CLB ở liên đoàn khác, hoặc vắng mặt ở lãnh thổ vì bất kỳ lý do nào khác ngoài bốn lý do được chấp nhận. Bốn lý do gồm, vắng mặt ngắn hạn ở nước ngoài vì lý do cá nhân; kỳ nghỉ ở nước ngoài giữa mùa giải; điều trị y tế hoặc phục hồi chức năng ở nước ngoài sau chấn thương hoặc bệnh tật; đi du lịch nước ngoài do công việc liên quan bóng đá.
Kinh nghiệm từ Indonesia là VFF cần có xác nhận cầu thủ được phép thi đấu từ FIFA. Indonesia từng muốn dùng tiền vệ Marc Klok ở AFF Cup 2020, diễn ra từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022. Tuy nhiên, Klok đăng ký thi đấu tại Indonesia từ tháng 4/2017 nên phải đến tháng 4/2022 mới đủ năm năm liên tục. Để tránh rủi ro pháp lý, Indonesia đã quyết định không dùng tiền vệ này tại giải.
AFF Cup 2024 diễn ra từ ngày 8/12/2024 đến 5/1/2025. Điều lệ giải dự kiến yêu cầu các đội tuyển đăng ký danh sách sơ bộ 50 cầu thủ vào ngày 8/11. Đến cuộc họp kỹ thuật ngày 7/12, các đội sẽ chốt 23 cầu thủ dự giải từ danh sách sơ bộ.
Ngoài cầu thủ nhập tịch không mang gốc gác, Việt Nam luôn chào đón các cầu thủ Việt kiều. Theo đó, Jason Quang Vinh Pendant của Công an Hà Nội đang làm thủ tục xin nhập tịch. Hậu vệ cánh trái sinh năm 1997 có mẹ người Việt và bố người Pháp, được kỳ vọng kịp dự AFF Cup. Anh về Việt Nam đầu mùa 2024-2025, sau nhiều năm thi đấu ở giải hạng Nhì Pháp – Ligue 2.
Tuyển Việt Nam cũng đang có hai Việt kiều thường xuyên được triệu tập là thủ môn Nguyễn Filip và Đặng Văn Lâm.
Hiếu Lương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cau-thu-khong-co-goc-viet-nam-co-the-duoc-len-tuyen-4808301.html