MỹVĐV Ethiopia Sisay Lemma bung sức từ đầu theo chiến thuật positive splits – chạy nửa đầu nhanh hơn nửa sau – để vô địch Boston Marathon 2024 ngày 15/4, chấm dứt sự thống trị của các chân chạy Kenya sau 4 năm.
Sau khi xuất phát tại Hopkinton, Lemma đẩy cao tốc độ và duy trì pace 2:53 (2 phút 53 giây mỗi km) qua nửa đầu chặng. Ở mốc 10 km, VĐV Ethiopia bỏ xa nhóm bám đuổi 25 giây và nới rộng cách biệt lên 1 phút 21 giây ở mốc 15 km.
Lemma hoàn thành 21,0975 km đầu tiên trong 1 giờ 0 phút 19 giây, nhanh hơn 99 giây tính trên cùng quãng đường, so với Geoffrey Mutai – VĐV lập kỷ lục của Boston năm 2011 với 2 giờ 3 phút 2 giây, thông số đồng thời thành tích marathon nhanh nhất trong lịch sử thời điểm đó.
Nhóm bám đuổi, gồm Evans Chebet – nhà vô địch Boston năm 2022, 2023 – chạy nửa chặng trong 62 phút 8 giây, tức chậm hơn Lemma tới 1 phút 49 giây. Cách biệt lần lượt được nới rộng lên 2 phút 21 giây và 2 phút 49 giây lần lượt ở mốc 25 km và 30 km.
Lemma chỉ giảm pace xuống còn 3:20 khi đến đoạn dốc tại Heartbreak Hill ở mốc 34 km và nhiệt độ tại Boston lên tới 20 độ vào lúc 11h30. Dù vậy, VĐV Ethiopia vẫn bỏ xa những người chạy kế sau, giữ vững vị trí đầu tiên rồi về nhất với 2 giờ 6 phút 17 giây.
Lemma đạt thành tích tốt thứ 10 trong lịch sử Boston Marathon, và vô địch giải major lần thứ hai trong sự nghiệp sau lần đầu ở London Marathon 2021 với 2 giờ 4 phút 1 giây. Lemma cũng là VĐV Ethiopia đầu tiên vô địch Boston Marathon kể từ Lemi Berhanu Hayle – người đăng quang năm 2016 với 2 giờ 12 phút 45 giây.
Trang Letsrun bình luận việc Lemma sử dụng chiến thuật positive splits – chạy nửa đầu nhanh hơn nửa sau – và sớm bung sức, luôn chạy ở vị trí dẫn đầu là “kế hoạch táo bạo nhất trong lịch sử 128 năm của Boston”. Thông thường, ở các giải lớn, những ứng viên vô địch sẽ chọn chiến thuật negative splits, theo đó, họ chưa vội tăng tốc, mà chỉ núp gió, chạy sau một số VĐV khác ở đầu chặng để giữ sức, rồi tăng tốc khi vào quãng một phần tư cuối cuộc đua.
Cố runner người Kenya, Kelvin Kiptum chọn chiến thuật negative splits, chạy nửa đầu chậm hơn nửa sau, bắt đầu bung sức từ mốc 30 km để lập kỷ lục 2 giờ 0 phút 35 giây tại Chicago Marathon 2023.
Còn một phương pháp khác là neutral splits – chạy với tốc độ đều trên cả quãng đường. Huyền thoại Eliud Kipchoge từng chạy marathon theo phương pháp này tại sự kiện INEOS 1:59 tại Vienna, Áo năm 2020 và đạt 1 giờ 59 phút 40 giây. Khi đó, anh chạy phần lớn quãng đường 42,195 km với pace đều đặn trong 2:48 đến 2:52.
Trước giải, Lemma được đánh giá là ứng viên nặng ký, khi vừa vô địch Valencia 2023 với thời gian nhanh thứ tư trong lịch sử marathon (2 giờ 1 phút 48 giây). Nhưng VĐV 34 tuổi này chưa bao giờ đạt thành tích tốt tại Boston. Giải major lâu đời này thậm chí còn ghi dấu thất bại nặng nề của Lemma ở cả ba lần góp mặt trước đây. Lemma bỏ cuộc giữa chừng (DNF) hai lần vào các năm 2017, 2022, và chỉ cán đích thứ 30 vào năm 2019.
“Tôi muốn phục hận, vì thế, tôi trở lại Boston. Cảm ơn Chúa vì tôi đã có thể trả hết nợ cho chính mình”, runner 35 tuổi tự hào khi lần đầu hoàn thành và vô địch ở lần thứ tư góp mặt tại Boston. Dù vậy, Lemma không thể hoàn thành mục tiêu là phá kỷ lục giải – 2 giờ 3 phút 2 giây được Geoffrey Mutai của Kenya thiết lập năm 2011.
Lemma xem chiến thắng tại Boston là màn chạy đà tốt cho Olympic Paris 2024. Nội dung marathon ở Thế vận hội năm nay được đánh giá rất khó, với điểm cao nhất của lộ trình là 183 m tại mốc 20,3 km, trong khi độ dốc lên lớn nhất đường đua là 13,5%, còn độ dốc xuống lớn nhất là -13,4%. Tổng độ cao của toàn bộ cung đường (total elevation) lên tới 438 m.
“Lý do tôi dự Boston là giải đấu này có lộ trình với những đoạn dốc tương tự Paris. Tôi rất vui với chức vô địch và cữ chạy hôm nay cũng sẽ giúp ích cho tôi tại Olympic”, VĐV Ethiopia giải thích.
Hồng Duy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chien-thuat-mao-hiem-cua-nha-vo-dich-boston-marathon-2024-4734954.html