Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ sẵn sàng chi hàng trăm nghìn USD để thưởng cho VĐV giành huy chương Olympic, bên cạnh những khoản thưởng bằng hiện vật.
Theo tạp chí Time, Quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về tiền thưởng là Hong Kong, với khoảng 750.000 USD cho HC vàng. Đây là một phần trong Chương trình giải thưởng khuyến khích VĐV, do CLB đua ngựa Hong Kong – một đơn vị cá cược chính thức, tài trợ.
Singapore sẽ thưởng cho VĐV giành HC vàng một triệu đô la Singapore, tức khoảng 740.000 USD, do Uỷ ban xổ số Quốc gia tài trợ. Tiền thưởng cho HC bạc và HC đồng, lần lượt bằng 50% và 25% so với vàng. Xếp thứ ba là Đài Loan khi HC vàng nhận khoảng 600.000 USD. Ngoài ra, VĐV còn nhận được khoản trợ cấp trọn đời khoảng 4.000 USD mỗi tháng.
Trong khi đó, Thái Lan công bố mức thưởng cao thứ sáu, lần lượt là khoảng 365.000, 219.000 và 146.000 USD. Xếp sau là Indonesia với 346.000, 251.000 và 178.000 USD. Malaysia xếp thứ 10, với tiền thưởng 236.000, 71.000 và 24.000 USD. Philippines đứng thứ 16, lần lượt là 200.000, 100.000 và 40.000 USD.
Các Chính phủ khác đưa ra mức thưởng sáu con số, theo USD, còn có thể kể đến các nước Tây Á, Kazakhstan, Uzbekistan, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Morocco, Italy, Hungary, Kosovo, Estonia hay Ai Cập.
Mức thưởng cao có nguyên nhân chính là do các nước và vùng lãnh thổ kể trên, có ít VĐV đạt huy chương. Trong khi đó, cường quốc thể thao Mỹ – dẫn đầu bảng tổng huy chương Olympic sáu trong bảy kỳ gần nhất – thưởng 37.500 USD cho HC vàng, còn bạc và đồng là 22.500 và 15.000 USD. Trung Quốc cũng được cho có mức thưởng tương đương, còn Nhật Bản lần lượt là 45.000, 18.000 và 9.000 USD.
Con số này tương đối thấp với các VĐV Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, họ còn nhận các khoản thưởng hậu hĩnh từ nhà tài trợ, hay Liên đoàn các môn. Liên đoàn vật Mỹ trao tặng 250.000 USD cho HC vàng, còn Liên đoàn bơi Mỹ là 75.000 USD.
Mức thưởng theo quy định Chính phủ của Việt Nam là 350 triệu, 220 và 140 triệu đồng, tương đương 13.700, 8.600 và 5.400 USD. Tuy nhiên, một Quỹ thể thao xác nhận sẽ thưởng lần lượt 1 triệu, 500.000 và 200.000 USD, cho tối đa ba huy chương mỗi loại.
Ngoài tiền mặt, nhiều quốc gia cũng có thêm khoản thưởng bằng hiện vật, như việc các VĐV Việt Nam sẽ được nhận tivi nếu giành huy chương. Chính phủ Malaysia hứa tặng các VĐV ô tô sản xuất ở nước ngoài, còn Kazakhstan tặng nhà – diện tích tuỳ vào màu huy chương.
Tại Olympic 2012, xạ thủ Trung Quốc Yi Silling giành HC vàng súng trường hơi và được chính quyền tỉnh Quảng Đông thưởng 7,65 triệu nhân dân tệ, tương đương một triệu USD. Cô cũng được thưởng một ô tô trị giá 30.000 USD và rượu độc quyền. VĐV Trung Quốc khác thì nhận được nhà từ các công ty bất động sản.
Ở Indonesia, nhà vô địch cầu lông đôi nam Tokyo 2021 Greysia Polii và Apriyani Rahayu, được chính quyền địa phương tặng nhà, bò và cả cửa hàng thịt viên. Trong khi đó, các VĐV Áo nhận khoảng 18.000 USD tiền xu Philharmonic – một loại tiền phổ biến được đặt theo tên dàn nhạc giao hưởng ở thủ đô Vienna.
Tại Nga, các nhà vô địch được thưởng tiền, ô tô, nhà, trợ cấp trọn đời và huy hiệu danh dự. Bên cạnh đó, nhiều VĐV cũng coi đây là bàn đạp để khởi đầu sự nghiệp chính trị, như đô vật Aleksandr Karelin hay VĐV trượt băng nghệ thuật Irina Rodnina.
Olympic Paris 2024 cũng chứng kiến lần đầu các Liên đoàn quốc tế thưởng cho VĐV. Liên đoàn điền kinh thế giới (WA) thưởng HC vàng 50.000 USD, còn Liên đoàn quyền anh thế giới là 100.000 USD. Tuy nhiên, động thái này cũng gây tranh cãi.
Các Liên đoàn khác cho rằng việc làm này “làm suy yếu các giá trị của Olympic” và không công bằng với các môn thể thao không đủ khả năng trao tiền thưởng. Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) lập luận rằng, các Liên đoàn nên tập trung vào việc giảm bất bình đẳng thay vì nâng cao vị thế người chiến thắng.
Dù vậy, nhiều cơ quan thể thao và chính VĐV đã bảo vệ lợi ích của việc trao thưởng cho người chiến thắng, cho rằng việc này sẽ thúc đẩy sự công khai về doanh thu của Olympic. Bên cạnh đó, họ kêu gọi thưởng nhiều tiền hơn cho những nhà vô địch ở tất cả các sự kiện tại Olympic.
Chủ tịch WA Sebastian Coe cho biết không thể định giá thương mại của việc giành huy chương, hay đại diện cho quốc gia dự Olympic. “Nhưng quan trọng là đảm bảo một phần doanh thu được trao cho VĐV”, ông nói. “Họ là những người trực tiếp biến Olympic thành sự kiện hoành tráng toàn cầu như ngày nay”.
Tuy nhiên, một số nước không thưởng tiền, như Anh, Na Uy hay Thuỵ Điển. Một số VĐV nghĩ rằng nên được thưởng, nhưng số khác lại không thấy cần thiết.
Sir Steve Redgrave – Nhà vô địch chèo thuyền Olympic người Anh – cho biết nên thưởng tiền cho những người cần hơn. “Những VĐV điền kinh giành HC vàng đều có khả năng kiếm số tiền đáng kể trước và sau Olympic”, ông nói với BBC.
Trong khi đó, nhà vô địch chạy vượt rào Olympic người Na Uy Karsten Waholm thì hoan nghênh các động thái thưởng tiền, nhưng chiến thắng ở Olympic mới là thứ giá trị nhất. “Tôi không tham dự Thế vận hội vì tiền”, anh nói với Reuters. “Với tôi, HC vàng có giá trị hơn nhiều”.
Hiếu Lương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cac-nuoc-thuong-bao-nhieu-cho-huy-chuong-olympic-2024-4773440.html