Vào một buổi chiều tháng 11 cách đây một năm, trong cái lạnh đầu đông, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – tiếp nhận một bệnh nhân khá đặc biệt đến trung tâm xin được tư vấn để đông noãn. Đó là một cô gái tuổi đời còn rất trẻ. Bệnh nhân Đ.M.T (18 tuổi, ở Hà Nội) vẫn còn hồn nhiên trong độ tuổi học trò. Nhưng đi sau em là đôi mắt đượm buồn của người cha đã khóc nhiều ngày vì thương con. Ông nuốt nước mắt vào trong lòng để con gái không phát hiện.
“Con gái tôi nó hồn nhiên lắm, vừa thi đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân xong. Niềm vui chưa được bao lâu thì cháu phát hiện ra bị ung thư xương. Bác sĩ Bệnh viện K Trung ương thông báo cháu chưa có di căn. Gia đình tôi quyết định động viên con đi đông noãn trước khi điều trị hoá xạ trị. Nếu sau này con tai qua nạn khỏi, lập gia đình, con sẽ làm thụ tinh ống nghiệm để sinh bé” – người cha trình bày với bác sĩ Minh Khai, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trả lời Báo Lao Động, bác sĩ Minh Khai cho hay, bản thân đã chững lại một nhịp khi nghe câu chuyện của người cha. Sau khi tiếp nhận trường hợp này, bác sĩ đánh giá đây là lý do chính đáng và việc trữ trứng lúc này là cần thiết. Hóa chất điều trị ung thư ảnh hưởng xấu tới tế bào non trong cơ thể trong đó có trứng, gây hiện tượng chết các tế bào trứng. Do đó, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân nên trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị bệnh ung thư.
Trong quá trình thực hiện, việc kê đơn thuốc nội tiết kích thích buồng trứng cho bệnh nhân trẻ tuổi cũng đã được bác sĩ cân nhắc rất nhiều khi chỉ định liều dùng làm sao để hiệu quả mà không làm tiến triển bệnh lý ung thư. Kết quả, T chọc hút được 16 trứng, bảo quản trong 5 top đang lưu giữ tại trung tâm.
“Hiện tại, trung tâm vẫn cập nhật tình hình của em. Gia đình cho biết, em đã hoàn thành phác đồ hoá xạ trị. Sức khoẻ ổn định và đã đi học trở lại. Trung tâm mong sớm được đón em trở lại để thực hiện nốt một nửa chu trình còn dang dở” – bác sĩ Mạnh Hà chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô – Phôi trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép – BV Đại học Y Hà Nội – cho hay, các trường hợp trữ trứng vì lý do bệnh lý như trường hợp này chiếm đa số.
Bệnh nhân ung thư hay mắc bệnh lý về di truyền có nguy cơ suy buồng trứng, là nhóm có xu hướng bảo tồn khả năng sinh sản. Thời gian điều trị các bệnh lý này khá dài, phương pháp điều trị ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ vô sinh.
Trứng được lấy ra khỏi cơ thể phụ nữ sẽ được trữ trong ni tơ lỏng, có nhiệt độ âm 196 độ C đảm bảo an toàn. Khi phụ nữ có nhu cầu sinh con, trứng được rã đông, sau đó làm thụ tinh trong ống nghiệm và cấy vào tử cung người mẹ. Chi phí trữ trứng, bao gồm chi phí cho thuốc kích thích buồng trứng, hiện khoảng 40-50 triệu đồng.
Theo PGS Hà, xu hướng đông lạnh trứng ngày càng phổ biến tại các bệnh viện và trung tâm sinh sản ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Riêng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, năm 2023 thực hiện hơn 300 chu kỳ chọc hút trứng cho các trường hợp trữ trứng.