Bên cạnh đó, khí hậu thời tiết nồm ẩm cũng là yếu tố gây ra bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa cơ xương khớp. Thậm chí, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam năm 2022, có khoảng 30% (tương đương với khoảng 30 triệu) người dân cần phục hồi chức năng, chủ yếu mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp, đau lưng, thoái hóa cơ xương khớp…
Tại tọa đàm “Phục hồi chức năng Liên bang Nga – xu hướng phát triển mới và các thành tựu” diễn ra chiều 20.6, bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Nga, Đa khoa Quốc tế Việt – Nga cho biết: “95% thoát vị đĩa đệm có thể phục hồi mà không cần phẫu thuật. Đây là một trong những mũi nhọn điều trị hiện nay. Cụ thể, nguyên nhân chính gây đau lưng không phải do đĩa đệm hay sụn bị phá hủy, mà hội chứng đau chủ yếu nằm ở các mạc cơ, cơ, dây chằng, gân”.
Vận động trị liệu là một trong những phương pháp chủ yếu của phục hồi chức năng, dựa trên nguyên lý rằng cơ thể vận động giúp tái tạo, cải thiện và duy trì trạng thái chức năng của cơ – xương – khớp, hệ tim mạch và các hệ thống khác trong cơ thể.
Mục tiêu của phương pháp là với sự hỗ trợ của vận động trị liệu sử dụng các nguồn lực bên trong cơ thể để khôi phục khả năng vận động của cơ, giảm co thắt, giảm đau và cung cấp dinh dưỡng cho đĩa đệm.
Điều này giúp bệnh nhân thoải mái và đỡ đau hơn. Chỉ sau 1 tháng tập luyện đúng và thường xuyên bệnh nhân sẽ cảm thấy đỡ đau, thậm chí hết đau. Sau 3-4 tháng khi các cơ căn bản đã vững chắc bệnh nhân sẽ cảm thấy sảng khoái và khoẻ mạnh hơn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay: Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực phục hồi chức năng.
Hệ thống chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh, phục hồi chức năng được hoàn thiện; các quy định về chuyên môn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả; tổ chức hệ thống, mạng lưới phục hồi chức năng thuộc y tế các Bộ, ngành, đã ngày càng được củng cố và phát triển, làm chủ những kỹ thuật cao;
“Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao hơn; công tác chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương giúp cho người bệnh, người khuyết tật được chăm sóc ngày một tốt hơn, hòa nhập với cộng đồng và nâng cao sức khoẻ toàn dân”- TS Vương Ánh Dương nói.
Theo ông Dương, việc bàn thảo về những bước tiến mới, hợp tác phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng nói chung, phục hồi chức năng mắt nói riêng giữa 2 Hội Phục hồi chức năng Liên bang Nga và Việt Nam sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phục hồi sức khỏe cho người dân, là cơ hội học hỏi về thành tựu khoa học, công nghệ phục hồi chức năng của Liên bang Nga.