Tư thế ngủ như thế nào khi bị trào ngược axit?
Tiến sĩ Daniel A. Barone, Phó giám đốc y khoa của Trung tâm Y học Giấc ngủ Weill Cornell (và là bác sĩ thần kinh tại Trung tâm Y tế Weill Cornell NewYork – Presbyterian, thành phố New York, Hòa Kỳ) – cho biết: Nếu bạn đang phải vật lộn với chứng trào ngược axit và ợ nóng, tư thế nằm nghiêng là lựa chọn tốt.
Ông Barone khẳng định: “Mọi người thường nói rằng nằm ngửa sẽ khiến chứng trào ngược axit trở nên tồi tệ hơn, mặc dù điều đó chưa thực sự rõ ràng”.
Ông Barone đưa dẫn chứng về một nghiên cứu cho thấy, ngủ nghiêng về bên trái có liên quan đến việc giảm chứng ợ nóng, trong khi ngủ nghiêng về bên phải thực sự có thể làm tình trạng trào ngược axit trở nên trầm trọng hơn. Bởi nó làm giãn một số cơ trong hệ tiêu hóa và tạo thêm không gian cho axit di chuyển qua.
Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy ngủ nghiêng về bên trái có thể làm giảm chứng ợ nóng, vì vậy, mặc dù đáng thử, nhưng nó có thể không giải quyết được vấn đề.
Bác sĩ Barone khuyên rằng, người bị trào ngược axit nên thực hiện tư thế ngủ bằng cách nâng khung giường lên (như giường bệnh) hoặc kê gạch dưới chân giường để nâng cao đầu giường vì đó là một cách để giảm trào ngược axit khá hiệu quả.
Ông cũng khuyên bạn không nên kê thêm nhiều gối dưới đầu vì điều này có thể khiến đầu và cổ bạn bị lệch và gây đau nhức.
Ngủ nghiêng có thật sự ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch?
Không ít người lo lắng và băn khoăn về sức khỏe tim mạch qua việc kiểm soát tình trạng tim bằng tư thế ngủ của mình. Họ cho rằng, tư thế ngủ có thể ảnh hưởng đến những vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, bác sĩ Barone khẳng định, không cần phải quá lo lắng về điều này.
“Nếu bạn đã nghe nói rằng ngủ nghiêng bên phải tốt hơn cho tim, ý tưởng đó xuất phát từ nghiên cứu sử dụng điện tâm đồ (ECG) và vectorcardiography (một kỹ thuật hình ảnh) để đo hoạt động điện và vị trí của tim khi mọi người ngủ. Ở những người ngủ nghiêng bên trái, hoạt động hơi khác so với bình thường và tim hơi nghiêng; ở bên phải, không có thay đổi nào so với bình thường”, vị bác sĩ cho hay.
Mặc dù điều này có vẻ gây ra một số vấn đề, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ tác động nào trong số này có ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch nói chung.
Ông Barone cho biết: “Theo hiểu biết của tôi, tư thế ngủ không ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn”.
Ai nên tránh ngủ nghiêng ở cả hai bên?
Mặc dù ngủ nghiêng có lẽ là tư thế tốt nhất đối với hầu hết mọi người, nhưng một điều cần lưu ý là nó có thể gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng đau vai.
Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thể thao Charles A. Su, tại Hệ thống Y tế Đại học Virginia và là phó giáo sư khoa phẫu thuật chỉnh hình tại Trường Y khoa Đại học Virginia ở Charlottesville cho biết: “Áp lực kéo dài lên vai do nằm nghiêng có thể gây đau, cứng hoặc nhức mỏi”.
Mặc dù ngủ nghiêng có thể dẫn đến đau vai cho bất kỳ ai, nhưng nguy cơ này lớn hơn nhiều đối với những người mắc một số bệnh lý tiềm ẩn như: chấn thương chóp xoay, viêm bao hoạt dịch vai, viêm gân cơ nhị đầu và thoái hóa khớp vai.