Bệnh nhân nặng tăng mạnh
Chia sẻ với Báo Lao Động sáng 22.12, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Hồi sức – Cấp cứu của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho hay với thời tiết chuyển lạnh những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân vào viện giảm, tuy nhiên, số lượng bị nặng lại tăng.
Riêng về các nhóm đột quỵ, bệnh nhân tăng 10-20%. Mỗi ngày, ghi nhận ít nhất 10 ca bị đột quỵ được đưa vào viện. Trong đó, 1-2 ca can thiệp được, những ca còn lại chỉ điều trị nội khoa thuần túy.
“Các bệnh nhân thường được đưa tới viện muộn quá, có thể vì trời lạnh, gia đình ngủ quên nên không phát hiện được tình trạng của bệnh nhân nên khi được đưa tới đã là quá muộn. Do đó, bệnh nhân đã bị lỡ giờ vàng, dù có cứu được, họ cũng bị để lại nhiều di chứng” – PGS Hải cho hay.
Không chỉ bệnh nhân đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng liên quan các bệnh lý như cúm A, sốt xuất huyết. Đặc biệt, ít ngày gần đây, số lượng bệnh nhân COVID-19 vào viện tăng bất thường.
“Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận 2-3 ca COVID-19 nặng trong tình trạng sốt, khó thở. Trước đó, không có bệnh nhân. Đặc biệt có tình trạng đồng nhiễm COVID-19 và cúm A” – PGS Hải cảnh báo.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân nặng vào viện cũng tăng đáng kể. Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm đột quỵ, Trung tâm thần kinh đều tăng bệnh nhân vào cấp cứu.
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh của bệnh viện này, cho hay, những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca đột quỵ não, tim mạch, bệnh lý thần kinh, đặc biệt bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên.
Theo chuyên gia này, số bệnh nhân nhập viện tăng ít nhất 10-15%. Tại Trung tâm thần kinh, trong đợt lạnh này, mỗi ngày tiếp nhận đến trên 50 ca vào viện, thậm chí, có ngày 60-70. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý như đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh…
Đặc biệt, thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi, mà kể cả người trẻ. Đơn cử tại Bệnh viện E mới đây đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội được đưa đến ngay trong đêm trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Kết quả chiếu chụp, xét nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ não.
Bệnh lý tim mạch tấn công người già
Chia sẻ với Báo Lao Động, bác sĩ CKII Phạm Xuân Hiếu – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện E – cho hay, trong những ngày rét đậm vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận và điều trị cho khoảng 120-150 ca/ngày. Trong đó, có hơn 10 ca đột quỵ não. Điều đáng nói, tỉ lệ đột quỵ não được cấp cứu trong giờ vàng vẫn chưa cao, chỉ khoảng 2-3 ca/ngày.
Số lượng ca cấp cứu không tăng về số lượng nhưng lại tăng về mô hình bệnh tật: Đột quỵ não và tim mạch do thời tiết cực đoan.
Tại Trung tâm tim mạch, số ca đến khám 200-250 ca/ngày, trong đó cấp cứu khoảng 10-20 ca/ngày với các bệnh lý: Nhồi máu cấp, suy tim cấp, động mạch vành, tắc mạch tạng (thận)… Số lượng người bệnh cấp cứu về các bệnh lý tim mạch tăng 20-25% so với trước.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích… Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.
Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,… nếu thấy những đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt…, gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.