Tại Hội nghị Công tác truyền máu toàn quốc năm 2024 diễn ra ngày 11.4 tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Trong 30 năm hình thành và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện nước ta (1994 – 2024), lượng máu tiếp nhận được tăng đều qua các năm. Kể từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Chúng ta cũng đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, hoàn thiện trong thời gian tới như: Hoàn thiện hệ thống các văn bản chính sách liên quan đến công tác truyền máu cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao công tác tổ chức điểm hiến máu, đặc biệt là công tác xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu…
TS.BS Trần Ngọc Quế – Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Năm 2023 cả nước có 77 cơ sở y tế tham gia tiếp nhận máu. Năm 2023, toàn quốc đã tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu (gồm 1.481.729 đơn vị máu toàn phần và 106.161 đơn vị tiểu cầu gạn tách), tăng 6% so với năm 2022. Trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu. Tỉ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%. Tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%.
Mặc dù tổng số có 77 cơ sở tiếp nhận máu trong cả nước, nhưng 91% lượng máu tiếp nhận lại tập trung ở 23 bệnh viện/Trung tâm truyền máu. Khu vực đồng bằng sông Hồng tiếp nhận số lượng máu nhiều nhất với 655.842 đơn vị máu. Trong đó, riêng Viện Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận 485.432 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách), chiếm 30% lượng máu tiếp nhận toàn quốc.
Từ kết quả máu tiếp nhận được và có kết quả sàng lọc an toàn, các cơ sở truyền máu điều chế được 2.901.141 chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022, chủ yếu là khối hồng cầu với gần 1,5 triệu đơn vị (chiếm 51,7%), huyết tương 820.305 đơn vị (chiếm 28,2%) và các chế phẩm khác như: tủa lạnh giàu yếu tố VIII, khối tiểu cầu gạn tách, khối bạch cầu…
Một trong những vấn đề quan trọng để công tác truyền máu an toàn, bền vững là quản lý chất lượng.
Để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng, bền vững, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, các cơ sở truyền máu phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tập trung tham mưu các giải pháp đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng cho điều trị, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo bằng cách phát huy các ngân hàng máu sống ở các khu vực này.
Đồng thời, cần rà soát quy hoạch, hệ thống văn bản, cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển dịch vụ máu để đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế nếu cần. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hướng đến dịch vụ truyền máu ngày càng chất lượng – hiệu quả – bền vững.