3 bệnh viện hoạt động từ cuối năm nay
Ngày 21.3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM (chủ đầu tư) thông tin về tiến độ 3 dự án bệnh viện cửa ngõ TPHCM.
Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức khởi công tháng 11.2021, với tổng mức đầu tư 1.915 tỉ đồng. Công trình có 1 tầng hầm, 10 tầng nổi, đáp ứng 1.000 giường. Hiện dự án đang thi công phần hoàn thiện và các hệ thống kỹ thuật.
Dự kiến quý III/2024, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đưa khối phòng khám vào hoạt động và quý IV/2024 đưa toàn bộ bệnh viện vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân khu vực phía Đông TPHCM và các tỉnh lân cận vùng Đông Nam Bộ.
Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn khởi công tháng 1.2021; tổng mức đầu tư 1.825 tỉ đồng. Với quy mô 2 tầng hầm và 12 tầng, bệnh viện này sẽ có 1.000 giường.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cũng dự kiến đưa khối phòng khám vào hoạt động trong quý III/2024 và hoạt động toàn bộ quý IV/2024, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản của người dân trên địa bàn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi khởi công tháng 1.2021, với tổng mức đầu tư hơn 1.854 tỉ đồng. Quy mô bệnh viện gồm 1 tầng hầm và 13 tầng nổi đáp ứng 1.000 giường.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi dự kiến đưa Khối phòng khám vào hoạt động trong quý IV/2024 và hoạt động toàn bộ trong quý I/2025, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân huyện Củ Chi và các vùng lân cận, đồng thời thu hút được người bệnh từ Campuchia đến điều trị.
Gần 4.400 tỉ đồng mua sắm thiết bị y tế hiện đại
Để đưa các bệnh viện cửa ngõ vào hoạt động chậm nhất vào tháng 12.2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM cho biết đang đẩy nhanh tiến độ thi công, 3 ca 4 kíp.
Đồng thời, thúc đẩy tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để đưa các bệnh viện vào hoạt động trong năm 2024.
Trước đó, tháng 9.2023, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình về chủ trương đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị cho ba bệnh viện cửa ngõ này với tổng số vốn là gần 4.400 tỉ đồng.
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn 1.491 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức 1.450 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi 1.450 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, quý I/2024 chủ đầu tư tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá. Trong quý II/2024 sẽ trình hồ sơ thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án; lập, thẩm định phê duyệt dự toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu trang thiết bị, phê duyệt hồ sơ mời thầu các gói thầu trang thiết bị.
Sau đó, chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu trang thiết bị và thực hiện công tác mua sắm trang thiết bị trong năm 2024.
Để đảm bảo việc mua sắm thiết bị y tế của 3 bệnh viện vừa hiệu quả vừa tránh lãng phí, TPHCM đã giao Sở Y tế thành lập Hội đồng chuyên gia phản biện của ngành y tế TPHCM để góp ý việc đầu tư trang thiết bị phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng bệnh viện theo định hướng phát triển.
Giám đốc 3 bệnh viện cửa ngõ phối hợp với chủ đầu tư rà soát danh mục trang thiết bị theo định hướng phát triển, trình cho Hội đồng chuyên gia phản biện của ngành y tế TPHCM để đóng góp ý kiến cho mỗi bệnh viện.
Sau cuộc họp, Hội đồng chuyên gia phản biện đã đề xuất việc mua sắm trang thiết bị y tế của mỗi bệnh viện sẽ chia thành 2 đợt, phù hợp với tình hình thực tế, định hướng chung và định hướng phát triển các chuyên khoa mũi nhọn, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn và quản trị của từng đơn vị, đảm bảo trang thiết bị y tế được đầu tư, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.