Theo đó, có 120 bệnh viện được đánh giá chất lượng, bao gồm: 51 bệnh viện công lập, 63 bệnh viện ngoài công lập, 4 trung tâm y tế có giường bệnh, 2 bệnh viện thuộc ngành (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM và Bệnh viện Đa khoa Bưu điện).
Có 41 bệnh viện đạt mức chất lượng khá trở lên (điểm chất lượng trung bình trên 4,0 theo thang điểm 5,0), chiếm 1/3 tổng số cơ sở được đánh giá, tăng 10,8% so với năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn còn 2 cơ sở có mức chất lượng dưới trung bình (điểm chất lượng trung bình dưới 2,5 điểm).
Có 2 bệnh viện không tham gia đánh giá là Bệnh viện Đa khoa Gia Định (do thời gian hoạt động còn dưới 12 tháng) và Bệnh viện Giao thông vận tải (do đã được Cục Y tế, Bộ Giao thông vận tải đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023).
Qua đánh giá cho thấy, điểm trung bình chung trong năm 2023 là 3,71 điểm, tăng 1,1 % so với năm 2022 (3,67 điểm).
5 bệnh viện dẫn đầu bảng xếp hạng điểm chất lượng bệnh viện năm 2023 gồm: 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ), 2 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) và 1 bệnh viện chuyên khoa nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1).
8 đơn vị có điểm trung bình từ 2-3 (đứng cuối bảng xếp hạng) gồm: Trung tâm Y tế Quận 10, các Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn, chuyên khoa mắt Cao Thắng, chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc Kim Hospital, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ AVA Văn Lang, chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean – Sao Hàn.
Theo Sở Y tế TPHCM, chất lượng các bệnh viện trên địa bàn TP đã cải tiến ở tất cả lĩnh vực từ năm 2022 đến năm 2023. Trong năm 2023, nhóm tiêu chí thuộc lĩnh vực hướng đến người bệnh đạt điểm trung bình cao nhất, và thấp nhất là hoạt động chuyên môn.