Vừa nghe thông tin từ báo chí rằng, cần bổ sung vitamin A cho trẻ em để tăng sức đề kháng chống lại bệnh sởi bên cạnh việc tiêm vaccine phòng sởi, chị Nguyễn Lan (32 tuổi, quận Gò Vấp) đã tìm hiểu địa điểm để đưa con đi bổ sung vitamin A.
Chị Lan có con nhỏ 3 tuổi, bé tham gia cả chương trình tiêm chủng quốc gia lẫn tiêm dịch vụ để đảm bảo không bỏ sót mũi tiêm nào. Ngoài ra, chế độ ăn uống của con cũng được duy trì đầy đủ dưỡng chất. Tuy nhiên, nếu cần thiết phải bổ sung thêm vitamin để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn dịch bệnh, chị sẵn sàng đưa con đi bổ sung, kèm theo sự tư vấn của bác sĩ.
Không chỉ riêng chị Lan, trong những ngày qua, nhiều phụ huynh khác cũng quan tâm đến việc bổ sung vitamin A cho trẻ. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TPHCM, khi trẻ mắc bệnh sởi, sức đề kháng rất yếu. Việc bổ sung vitamin A trong thời gian trẻ bị bệnh là cần thiết, không chỉ giúp tăng sức đề kháng mà còn giảm nguy cơ biến chứng như mù màu, đục thủy tinh thể ở trẻ mắc sởi.
Để phòng ngừa bệnh sởi, tất cả trẻ em cần được tiêm vaccine sởi đầy đủ theo hướng dẫn chuyên môn, đồng thời uống bổ sung vitamin A liều cao mỗi 6 tháng một lần cho trẻ dưới 5 tuổi theo chiến dịch của chương trình quốc gia. Đây là chương trình phòng chống thiếu vitamin A do Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế tổ chức hai lần mỗi năm.
Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh sởi hiệu quả, bệnh sởi vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Các trường hợp bệnh sởi nặng hoặc có biến chứng thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ thiếu vitamin A hoặc có hệ miễn dịch suy giảm. Khi sức đề kháng cơ thể suy yếu, bệnh nhi dễ bị biến chứng, và hầu hết trẻ tử vong do các biến chứng của bệnh sởi.
Theo Bộ Y tế, việc bổ sung vitamin A đã được chứng minh giảm 50% tỉ lệ tử vong do bệnh sởi. Bệnh sởi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ, gây ra tình trạng chán ăn, bỏ ăn do viêm loét miệng, nôn và tiêu chảy. Điều này không chỉ làm tăng nhu cầu dinh dưỡng, mà còn làm giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, bệnh sởi làm tăng nhu cầu vitamin A, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, thậm chí gây viêm loét giác mạc và mù lòa, ngay cả ở những trẻ trước đó không bị thiếu vitamin A.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/tang-cuong-bo-sung-vitamin-a-cho-tre-truoc-dich-soi-1388750.ldo