Để làm rõ quan điểm này, bà Reshma AM – nhà tư vấn dinh dưỡng tại Bệnh viện SPARSH (Bengaluru, Ấn Độ) giải thích, lý do dẫn đến quan điểm này vì sữa để lại một lớp phủ trong miệng và cổ họng khiến nhiều người nhầm lẫn với chất nhầy hoặc đờm.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Shrey Srivastav, bác sĩ nội khoa (thuộc Bệnh viện Sharda, Noida, Ấn Độ) – cho biết: Sự nhầm lẫn này có thể trầm trọng hơn do các triệu chứng không dung nạp lactose hoặc dị ứng với sữa, có thể gây ra các phản ứng như nghẹt mũi hoặc đờm.
“Nhưng những điều này không phải do sản xuất chất nhầy trong họng mà tạo thành”, PGS.TS Shrey Srivastav khẳng định.
Còn Tiến sĩ Arjun Khanna, Trưởng khoa phổi thuộc Bệnh viện Amrita Faridabad (Ấn Độ) dẫn chứng, rất nhiều thực phẩm như chuối, gạo, sữa có liên quan đến việc sản xuất đờm. Nhưng y học hiện đại không ủng hộ và cũng chưa có bằng chứng nào về mối liên hệ giữa thực phẩm và việc sản xuất chất nhầy hay đờm.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ cũng không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào trong việc sản xuất chất nhầy ở những người tham gia uống sữa bò so với những người uống đồ uống có nguồn gốc từ đậu nành.
Nhà dinh dưỡng Reshma AM giải thích thêm rằng, một số người có thể gặp các triệu chứng như tăng đờm hoặc chất nhầy sau khi uống sữa do cơ thể nhạy cảm hoặc không dung nạp nhẹ với các sản phẩm từ sữa. Điều này không giống với tình trạng tăng sản xuất chất nhầy nói chung đối với tất cả mọi người.
Những người mắc các bệnh về đường hô hấp chẳng hạn như hen suyễn hoặc viêm phế quản có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng do cảm giác đặc do sữa để lại trong cổ họng, nhưng nó không thực sự làm tăng sản xuất chất nhầy.
“Nếu bạn có đờm kèm theo các rối loạn hô hấp, bạn nên dùng thuốc thường xuyên và sử dụng khẩu trang khi ra ngoài. Bạn cũng nên uống nhiều nước và giữ cho cơ thể đủ nước”, nhà dinh dưỡng Reshma AM đưa ra lời khuyên.