Không chủ quan với sốt xuất huyết
Ngay tại Hà Nội, theo Sở Y tế số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội gia tăng trong những tuần gần đây. Sốt xuất huyết trở thành bệnh lưu hành hằng năm, không còn theo chu kỳ 4-5 năm bùng phát một đợt dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, không ghi nhận ca tử vong.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân phổi đông đặc, nhiều ổ áp xe mắc sốt xuất huyết ngày thứ 7. Nữ bệnh nhân 53 tuổi ở huyện Đan Phượng, Hà Nội vào cơ sở y tế gần nhà do sốt cao, đau đầu, đau mỏi người. Bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là sốt xuất huyết. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện mà sốt cao hơn, có lúc lên đến 39 độ C, kèm theo đó là tiểu cầu giảm và đau bụng rất nhiều ở vùng thượng vị.
Chụp cắt lớp phổi cho thấy các đám đông đặc rải rác, có nhiều ổ áp xe ở trong phổi… Trong quá trình mắc sốt xuất huyết, cơ thể bệnh nhân suy giảm sức đề kháng, bạch cầu giảm xuống thấp dễ dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt là nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
ThS.BS Trần Văn Bắc – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – lưu ý: Bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue thể nặng, các bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện sốt trên 5 ngày có nguy cơ cao hơn bị đồng nhiễm vi khuẩn.
Vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, nhiều chủng trong số này là tụ cầu kháng thuốc gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị.
Ngoài ra, các bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền nếu bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần được chẩn đoán sớm để có kế hoạch theo dõi nguy cơ đồng nhiễm vi khuẩn, từ đó can thiệp điều trị kịp thời. Người dân nếu có sốt cấp tính trong mùa dịch sốt xuất huyết Dengue nên đi khám và quản lý tại cơ sở y tế, không nên tự truyền dịch tại nhà, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng mạnh trong thời gian tới
Theo nhận định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng so với cùng kỳ năm 2023; đã xuất hiện một số ổ dịch phức tạp, kéo dài. Kết quả giám sát tại các ổ dịch cũ vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa rào là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh. Các địa phương cần tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đề phòng sốt xuất huyết. Dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
TS Hoàng Minh Đức – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 tuýp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 tuýp D2 chiếm 70,7%. Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11).
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: Sốt, nguy hiểm và phục hồi. Sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống.
Các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh. Nhiều người cho rằng, vừa mắc sốt xuất huyết xong sẽ không mắc lại bệnh. Đây là quan niệm chưa hẳn đúng. Vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có 4 tuýp. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.
Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Theo dự kiến, vaccine phòng sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 9.2024.