Sản phụ Nguyễn Thị Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi, 34 tuổi, TPHCM) cấp cứu vì mệt, khó thở. Sản phụ được đo huyết áp nhưng ở mức cao 185/120 mmHG (ở người bình thường chỉ số này là 120/80 mmHG), siêu âm tại giường thì bụng chị có bào thai sống, tương đương 34 tuần.
Sản phụ được xác định có dấu hiệu của tiền sản giật, có thể nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.
BS.CKI Nguyễn Quang Nhật – Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, đây là trường hợp hy hữu biết mang thai muộn kèm theo dấu hiệu tiền sản giật, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng được ghi nhận tại bệnh viện.
Hai lần mang thai trước sản phụ cũng bị tiền sản giật, các bé chào đời khi thai 36 tuần. Khi bác sĩ báo tin có bầu lần 3, người mẹ rất hối hận vì sự chủ quan. Bác sĩ Nhật cho biết, trường hợp đáng tiếc do “mang thai bí ẩn” nên chị không hề đi khám thai nên bỏ qua cơ hội được sử dụng thuốc điều trị dự phòng tiền sản giật.
Cũng theo bác sĩ Nhật, tình trạng “mang thai bí ẩn” (Cryptic Pregnancy) tức không biết đang mang thai cho đến khi thai kỳ vượt quá nửa hành trình, đôi khi kéo dài đến chuyển dạ, sinh nở.
Ở phụ nữ bình thường có thể tự nhận biết mang thai thời gian từ 4 – 12 tuần của thai kỳ thông qua triệu chứng: trễ kinh, ốm nghén, kết quả test thử thai dương tính.
Tuy nhiên, thực tế, vẫn có nhiều phụ nữ không biết mình đang mang thai. Theo một nghiên cứu tại Đức, khoảng 1 trên 475 phụ nữ mang thai 20 tuần mà không biết. Tỉ lệ mang thai bí ẩn cho đến khi sinh là khoảng 1trên 2.500 ca.
Một số nguyên nhân khiến phụ nữ không biết mình mang thai là do có sử dụng biện pháp ngừa thai, chu kỳ kinh không đều, lớn tuổi nghĩ bản thân không còn khả năng sinh đẻ. Ngoài ra, những phụ nữ trước đây khó mang thai hoặc mắc bệnh có thể gây vô sinh có thể không tin mình đang mang thai. Tình trạng này cũng gặp ở phụ nữ trẻ tuổi, độc thân chưa từng mang thai hoặc mắc bệnh tâm lý, chậm phát triển về trí tuệ.
Phụ nữ không biết mình mang thai rất nguy hiểm, tác động nhiều sức khỏe mẹ và bé. Bác sĩ Nhật giải thích, như trường hợp chị Thanh từng có tiền sử mắc tiền sản giật, bệnh có thể chủ động phòng ngừa khi thai 12 tuần, nhưng vì không biết mang thai chị không được dùng thuốc điều trị dự phòng khiến tình trạng nặng hơn. Mặc dù được can thiệp kịp thời, người mẹ vẫn đối mặt nguy cơ phải chấm dứt thai kỳ sớm.
Một số phụ nữ phải khi sinh con tại nhà mà không có sự trợ giúp kịp thời của y bác sĩ, tiềm ẩn nguy cơ sinh khó, băng huyết sau sinh. Nguy hiểm hơn mẹ có thể uống thuốc gây hại khi mang thai hoặc không thực hiện các điều chỉnh lối sống như nghiện rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích và tiếp tục sử dụng trong thai kỳ có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, thai dị tật, suy dinh dưỡng.