Trách nhiệm không chỉ của ngành Y tế
Trả lời báo chí ngày 15.5 về vấn đề an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tỏ ra quan ngại trước nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo ông, hiện nay, theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15 của Chính phủ, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế, ngoài ra còn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp.
“Nhưng cũng phải nói đến trách nhiệm và ý thức của người dân trong vấn đề thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15, các văn bản hướng dẫn thì tôi cho rằng, đầu tiên chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ các cấp ủy chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hơn hết là nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm, trước hết là đảm bảo sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.
Thứ hai, các cấp các ngành cần tăng cường kiểm tra giám sát, đặc biệt đối với các bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Vừa qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại các cơ sở này.
Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành
Đơn cử như vụ việc hơn 300 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tiệm Băng (đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, tỉnh Đồng Nai). Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) đánh giá pháp lý, tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh.
Hay mới đây nhất, chiều 14.5, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã phải nhập viện theo dõi, cấp cứu nghi bị ngộ độc thực phẩm.
“Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Các địa phương cần vào cuộc kiểm tra, giám sát để các cơ sở thực hiện cho tốt”- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ ba, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành, vì liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ của riêng ngành Y tế, mà các cấp các ngành cần phải vào cuộc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, giải pháp cơ bản nhất phải truyền thông, nâng cao ý thức của người dân, làm sao phải ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa việc mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh…
Chiều 14.5, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã phải nhập viện theo dõi, cấp cứu nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đã ngay lập tức ban hành công văn số 1044/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo gấp các cơ sở y tế có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để các bệnh nhân có diễn biến nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Đồng thời, đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.