Bệnh viện Tâm thần (TPHCM) là bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố, chuyên khám, điều trị các rối loạn tâm lý, tâm thần, vì vậy, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tâm lý, thần kinh đến khám. Trong đó, không ít người đến khám vì có biểu hiện của bệnh trầm cảm, đủ mọi lứa tuổi, giới tính.
Anh N.M.H (24 tuổi, tỉnh Long An) có các triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi kéo dài suốt thời gian qua dù các vấn đề về cuộc sống, gia đình, tình cảm… anh H. đều không gặp trở ngại gì.
“Tôi nhiều lúc cũng không nhận ra bản thân mình đang muốn gì, cần gì. Đôi lúc còn nghe tiếng la hét, chửi mắng trong đầu. Thời gian nhận thấy mình không ổn, tôi thường thích ở trong phòng một mình không muốn gặp gỡ, giao tiếp nói chuyện với ai”, anh H. chia sẻ.
Tự tìm hiểu trên mạng về các triệu chứng đang gặp phải, anh H. đã đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM để được thăm khám sức khoẻ. Sau gần 1 năm điều trị, hiện tình trạng bệnh của anh H. đã cải thiện hơn trước rất nhiều. Nhưng anh vẫn luôn cảm thấy xấu hổ nếu để người khác biết căn bệnh trầm cảm của mình.
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Kim Hoàn – Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, bệnh viện có 80.887 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú. Trong đó, có 6.867 người đến khám vì trầm cảm, nam giới có 2.178 lượt khám, nữ giới là 4.689.
Cũng theo bác sĩ Hoàn, bệnh trầm cảm trong dân số nói chung, đa phần nữ giới, chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới. Điều này tới từ tính cách, loại hình thần kinh của hai giới khác nhau.
“Đối với nam giới thường có tính cách mạnh mẽ, nên đàn ông chống chọi với trạng thái trầm cảm tốt hơn phụ nữ. Bên cạnh đó, có những trường hợp trầm cảm nhẹ vượt qua được, nhưng vẫn có những trường hợp không vượt qua được nên dẫn đến nặng. Khi mắc bệnh, nam giới cũng khó điều trị hơn nữ giới vì nhiều người đến bệnh viện khi bệnh đã diễn tiến nặng do tâm lý kỳ thị bệnh vẫn còn xuất hiện nhiều trong cộng đồng” – bác sĩ Hoàn chia sẻ.
Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn, có 3 nhóm nguyên nhân gây trầm cảm gồm: Thứ nhất, do bệnh lý thực thể, như người bệnh đột nhiên phát hiện mắc bệnh ung thư, đột quỵ, tai biến mạch máu não; Thứ hai, do tâm lý, ví dụ áp lực công việc, xung đột trong các mối quan hệ (vợ, chồng, con cái…), áp lực khiến stress. Nếu stress kéo dài không giải quyết được sẽ dẫn đến trầm cảm; Thứ ba là do nội sinh, điển hình như bệnh nhân N.M.H tự rơi vào trầm cảm mà không có nguyên nhân.
Tùy theo cơ địa, vấn đề người bệnh gặp phải và sức chịu đựng của mỗi người từ giai đoạn stress đến trầm cảm sẽ có thời gian mắc bệnh khác nhau. Việc điều trị cần phải kết hợp dùng thuốc và tâm lý trị liệu mới mang lại hiệu quả.