Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 1 đơn vị cồn tương đương 10gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 của một chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 phần rượu mạnh 30 ml (40% độ cồn).
Để giảm nồng độ cồn, nhiều người đưa các một số mẹo nhưng không hiệu quả. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, có rất nhiều sai lầm mọi người hay mắc phải khi giải rượu cho người uống rượu say, hoặc tìm cách giảm nồng độ cồn.
Hát karaoke giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơn?
Khi uống bia hay rượu nồng độ cồn trong máu sẽ đạt đỉnh trong khoảng 1-1,5 giờ sau đó và giảm từ từ. Nồng độ cồn hấp thu – đào thải nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa, chức năng gan, thức ăn trong ruột, lượng rượu bia uống vào, tình trạng hoạt động của cơ thể sau uống rượu, thể trạng của một người. Sau khi uống rượu bia, người đào thải nhanh, người đào thải chậm là bình thường.
Lượng cồn trong cơ thể được đào thải qua nước tiểu là chủ yếu. Một phần còn lại đào thải qua mồ hôi và khí thở. Để giúp cơ thể đào thải nồng độ cồn nhanh, bạn có thể duy trì hoạt động thông khí, trong đó có thể là nói cười nhiều hoặc hát karaoke. Hoạt động này giúp tăng thông khí sẽ làm cho nồng độ cồn giảm nhanh hơn là uống xong ngồi gục, im lặng.
Uống cà phê
Nhiều người tin rằng, uống cà phê đậm đặc giúp giảm nồng độ cồn vì chất caffeine sẽ làm mất tác dụng của rượu.
Tuy nhiên, caffeine có thể xua tan cơn buồn ngủ, có thể khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, nhưng nó không làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể bạn.
Uống nước chanh
Một trong những sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải nhất là cho người say rượu uống nước chanh hoặc các đồ uống chua. Tuy nhiên, nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với nước uống chua dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có axit.
Đánh lừa máy thở
Ăn một miếng kẹo cao su hoặc một viên kẹo bạc hà để giúp che đi mùi rượu trong hơi thở của mình. Mặc dù bạn có thể không ngửi thấy mùi rượu, nhưng bạn sẽ không lừa được máy phân tích hơi thở.
Các thiết bị này sử dụng công nghệ pin nhiên liệu để đo nồng độ cồn trong hơi thở, sự hiện diện của các phân tử cồn trong mẫu hơi thở của bạn như kẹo cao su, bạc hà hoặc thức ăn không thể ngăn thiết bị phát hiện sự hiện diện của cồn.
Tắm
Mặc dù tắm vòi sen có thể giúp bạn tỉnh táo hơn, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy, việc này giúp giảm nồng độ cồn, loại bỏ rượu khỏi cơ thể để giúp bạn tỉnh táo.
Ăn nhiều thức ăn
Thức ăn sẽ không hấp thụ hoàn toàn những gì bạn uống và một khi rượu đi vào máu của bạn, nó sẽ phát huy tác dụng. Một số người cũng tin rằng, ăn sau khi uống sẽ giúp bạn tỉnh táo, nhưng vì rượu luôn đi vào máu nên điều này không đúng.