Ký ức không quên về những trái tim ngừng đập
Dù đã từng thực hiện hơn 17.000 ca can thiệp tim bẩm sinh, nhưng TS.BS Đỗ Nguyên Tín – Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM vẫn không quên được đã từng thất bại khi can thiệp bào thai trước đó 2 năm cho một phụ nữ mang thai gần 30 tuần. Thai nhi được chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh nặng và sẽ tử vong nếu không can thiệp ngay. Sau khi gia đình đồng ý phẫu thuật, bác sĩ Tín và ekip đã tiến hành nong van tim bào thai. Tuy nhiên, ca phẫu thuật không thành công, tim em bé ngừng đập trong bụng mẹ. Chính điều này, khiến anh day dứt và không ngừng tìm tòi, học hỏi.
Với thắc mắc làm sao có thể thông tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ, bác sĩ Tín kể lại, lần đầu tiên, chứng kiến các đồng nghiệp Brazil phẫu thuật thông tim trong bào thai tại một hội nghị ở Mỹ cũng khiến anh cảm thấy sợ hãi, căng thẳng.
“Ban đầu nhìn, bản thân tôi thấy sợ, cả hội trường im lặng chăm chú theo dõi khi cây kim đâm qua bụng, đâm qua tử cung người mẹ, sau đó đâm qua nước ối, đâm qua thành thành ngực thai nhi và cuối cùng là vào tim em bé để phẫu thuật. Nếu chỉ cần sai sót nhỏ là tử vong cả mẹ và con. Tuy nhiên, những người phẫu thuật lại cảm thấy thoải mái, vui vẻ, chứng tỏ họ xem đó là chuyện bình thường. Bởi đây là phẫu thuật thường quy. Với tâm niệm, trọng tâm của bác sĩ là phải đặt ở bệnh nhân nên sau lần đó, tôi quyết tâm tìm hiểu, mày mò để đưa về Việt Nam áp dụng”, bác sĩ Tín nhớ lại.
Trước đây, việc can thiệp cho trẻ bị dị tật tim bẩm sinh chỉ thực hiện sau khi trẻ chào đời với nhiều đợt mổ. Bởi bào thai là tế bào gốc nên khi can thiệp sớm, chúng sẽ tự sửa chữa được, giúp bé không chỉ sống được mà còn hướng đến chất lượng sống tốt về sau.
Cuộc mổ lịch sử
Trong hàng chục năm nghiên cứu ca mắc bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, bác sĩ Tín đã nhiều lần chứng kiến những trái tim nhỏ bé thổn thức đập trong bụng mẹ mong được sống.
Và gần đây nhất là ca mổ lịch sử, lần đầu tiên thành công tại Đông Nam Á, những người thực hiện vẫn chưa hết sự vui mừng vì đã mở ra cơ hội cho nhiều ca trẻ mắc bệnh tim từ trong bụng mẹ được cứu chữa.
Đó là trường hợp của sản phụ D.D.L (26 tuổi, ngụ Đà Nẵng). Chị L. mang thai lần đầu và được theo dõi thai định kỳ tại Đà Nẵng. Khi thai được 26 tuần, bác sĩ phát hiện thai nhi bất thường ở tim (không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải), sau đó, chị L. được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ TPHCM.
Tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Giang sau thời gian được rèn giũa tay nghề nên có thể siêu âm chính xác dị tật. Thêm nữa, ekip tiền sản của Bệnh viện Từ Dũ rất giỏi, do vậy họ sẵn sàng hỗ trợ nếu gặp tình huống thai gò hoặc có vấn đề liên quan sản nên có thể can thiệp ngay. Điều này cũng giúp bản thân các bác sĩ tự tin hơn khi thực hiện. Bên cạnh đó, còn có ekip gây mê, hồi sức sơ sinh, can thiệp bào thai, nong tim và các phương tiện, dụng cụ nên giúp mình tự tin hơn khi thực hiện.
Từ những cơ sở đó, các bác sĩ đã hội chẩn cùng ekip bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, đi đến quyết định can thiệp thông tim trong bào thai.
“Đây là ca đầu tiên, pháp lý chưa có, nếu không có sự đồng tình của ngành y tế thì khó thực hiện được. Lúc đó, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ có viết đơn trình lên Sở Y tế TPHCM và được sự đồng ý thực hiện. Với sự đồng lòng và quyết tâm làm, mới mong cứu được nhiều trường hợp bào thai mắc tim bẩm sinh về sau”, bác sĩ Tín bộc bạch.
Sau ca phẫu thuật lịch sử, tình trạng sức khỏe mẹ và bé đều ổn định đến lúc trẻ sinh ra đời tự hô hấp, dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn như những đứa trẻ bình thường.