Không chỉ COVID-19, trong bối cảnh trên thế giới hiện vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, bệnh truyền nhiễm mới nổi tại nhiều quốc gia, Việt Nam cũng cần cảnh giác.
Việt Nam đang phải đối mặt với các bệnh mới nổi, bệnh tái nổi như: Tay chân miệng, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết…, tạo gánh nặng lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Hiện các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, còn diễn biến phức tạp. Với dịch COVID-19, miễn dịch của người dân do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; trong khi đó, virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi.
Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, các bệnh đường hô hấp, cúm mùa cũng phát sinh nhiều khi gia tăng bệnh nhân mắc cúm A, cúm B.
Trong khi đó, hiện tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra. Việc mua sắm, đấu thầu vẫn còn khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu vaccine, sinh phẩm trong một số thời điểm cũng ảnh hưởng đến công tác phòng dịch.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các địa phương về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.
Chỉ đạo các Sở ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến rét đậm, rét hại trên địa bàn và kịp thời thông tin để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh.
Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe; cảnh báo để người dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín;
Chỉ đạo cơ sở y tế các cấp trên địa bàn đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông, báo chí của địa phương phối hợp với Sở Y tế có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các hướng dẫn bảo vệ sức khỏe của người dân, người lao động, người bệnh, người nhà người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa lạnh.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời: người lao động nông nghiệp, công nhân…; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp…
Theo đó, đối với người già và trẻ em: Hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng; Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dày để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang…
Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cafein;
Không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể…