Khó khăn bủa vây
Ngày 25.8, trao đổi với PV Lao động, đại diện Trung tâm y tế (TTYT) huyện Thăng Bình cho hay, số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại đơn vị này giảm sâu. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị chỉ tập trung chi trả lương, đảm bảo mức thu nhập cơ bản cho người lao động, còn các khoản chi khác theo chế độ, chưa chi trả kịp.
Tương tự, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam được giao tự chủ tài chính ở mức 78,9%, nhưng thời gian qua liên tục hụt thu, dẫn đến nợ lương người lao động.
Số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện này trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có 556 lượt, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023 (2.983 lượt). Đơn vị đã đề nghị tỉnh xem xét phê duyệt giảm mức độ tự chủ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Giai đoạn 2023 – 2025, UBND tỉnh Quảng Nam giao quyền tự chủ tài chính cho 32 đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Trong đó, số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên là 9 cơ sở (nhóm 2), 21 cơ sở tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Điều này nhằm giúp các cơ sở y tế công linh hoạt trong tài chính, tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đang chật vật xoay sở, bởi thu không đủ bù chi, dẫn đến khó giữ chân người giỏi, lượng bệnh nhân giảm sút.
Điều chỉnh giảm mức độ tự chủ tài chính
Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã bổ sung kinh phí hơn 28,4 tỉ đồng cho Sở Y tế, để chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở y tế điều trị tuyến tỉnh và hoạt động khám chữa bệnh tại TTYT trực thuộc.
Ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế cho hay, theo chủ trương chung, các đơn vị y tế sẽ giảm dần mức độ phụ thuộc tài chính vào ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, đây là thách thức không nhỏ vì nhiều đơn vị không có nguồn thu để thực hiện cơ chế tự chủ, và mức lương cơ sở vừa tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Mới đây, TTYT huyện Đông Giang và TTYT huyện Hiệp Đức đã được tỉnh Quảng Nam điều chỉnh giảm mức độ tự chủ sang nhóm 3 (tỷ lệ 39%), với thời gian thực hiện tự chủ ổn định trong 2 năm 2024 – 2025.
Nhiều TTYT khác ở miền núi cũng đề xuất được điều chỉnh sang mức độ tự chủ nhóm 4, thậm chí đề nghị bãi bỏ thực hiện phương án tự chủ tài chính.
Đại diện TTYT huyện Nam Giang cho rằng, miền núi đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi chính sách hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân nghèo đã không còn, dẫn đến lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh èo uột.
Nhất là từ khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT có hiệu lực năm 2021, từ chỗ là đơn vị y tế ban đầu được người dân lựa chọn, đơn vị này không thể cạnh tranh với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, cũng như các cơ sở tư nhân trên địa bàn.
Tại buổi làm việc với ngành y tế mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã yêu cầu Sở Y tế khảo sát về tình trạng tự chủ tài chính đã giao cho các đơn vị, báo cáo tỉnh để có hướng giải quyết thích hợp, không thể để y tế, nhất là ở miền núi đã khó lại càng khó hơn.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/nhieu-co-so-y-te-quang-nam-xin-dung-co-che-tu-chu-tai-chinh-1384656.ldo