Ngay những ngày đầu năm mới, cô giáo Mai Anh (40 tuổi, giáo viên ở Hà Nam) đã tới gặp bác sĩ để thăm khám. Cô cho biết, chỉ nói chuyện trong vài phút là khàn giọng và hụt hơi khó nói. Cô đã đi kiểm tra nhiều nơi nhưng chỉ được kê thuốc về điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bị hạt xơ dây thanh quản.
Cũng giống như trường hợp của cô Mai Anh, cô giáo Nguyễn Hương (50 tuổi, Nam Định) cũng là giáo viên cho biết nhiều năm qua cô bị khàn giọng khiến cho việc dạy học rất khó khăn. Thế nhưng vì công việc quá bận nên tới giờ mới đi khám được.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt – cho biết, tại viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân là giáo viên tới khám vì vấn đề dây thanh quản trong đó hay gặp nhất là hạt xơ dây thanh.
“Hạt xơ dây thanh quản hay còn gọi với tên khác là u xơ thanh quản. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là sự xuất hiện của các hạt xơ nhỏ ở cả 2 bên dây thanh. Đặc điểm của các hạt xơ này là chúng có chân rộng, xu hướng mọc đối xứng với nhau, kích thước gần bằng nhau và mọc ra ở cả 2 bên dây thanh. Đây được coi là di chứng của tình trạng viêm thanh quản mãn tính kéo dài không được can thiệp điều trị đúng cách, bệnh thường gặp ở nữ giới hơn nam giới”, PGS Nguyễn Thị Hoài An cho biết.
Đây là bệnh thường gặp ở người nói gắng sức nhiều như giáo viên, ca sĩ, người bán hàng, người làm tư vấn, sale… hai dây thanh khi phát âm sẽ đập vào nhau nên khi bạn nói dài, nói to, nói trong môi trường mất trật tự thì dây thanh bị ảnh hưởng trầm trọng. Hạt xơ khiến 2 dây thanh không khít, tiếng nói phát ra kèm nhiều hơi, khản đặc…
Hạt xơ dây thanh quản là bệnh lành tính, không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bệnh có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh nếu không được điều trị đúng và kịp thời như khàn tiếng, hụt hơi, viêm thanh quản, ung thư thanh quản…
PGS Hoài An cho biết với những người thường xuyên phải nói nhiều như giáo viên thì cần lưu ý những điều sau để bảo vệ giọng nói của mình:
Thứ nhất, giáo viên cần được hỗ trợ máy trợ giảng. Trong điều kiện môi trường ở Việt Nam sĩ số lớp học quá đông, giáo viên phải giảng 4,5 tiết/ngày, các cô giáo cần được hỗ trợ mic trợ giảng để phóng đại âm thanh.
Thứ hai, bản thân người làm giáo viên cũng tranh thủ nghỉ giọng. Ví dụ khi giao nhiệm vụ cho học sinh làm bài tập cần để cho thanh quản nghỉ ngơi. Xây dựng các bài giảng có tính mở để người giáo viên ít phải nói hơn.
Thứ ba, khi nói nhiều niêm mạc của cổ họng khô, niêm mạc dây thanh khô vì vậy khi giảng bài cho học sinh thầy cô giáo cần chuẩn bị cốc nước ấm hoặc cốc giữ nhiệt để giữ ấm nước. Thi thoảng, giáo viên nên nhấp ngụm nước nhỏ để làm ấm cổ họng, tránh khô họng.
Thứ tư, khi khàn giọng cần cố gắng nghỉ giọng. Việc nghỉ giọng với giáo viên là vấn đề khó khăn nhưng nó có vai trò tốt hơn cả dùng thuốc.
PGS An cho biết nếu khàn giọng mà vẫn không nghỉ giọng thì tình trạng ngày càng nặng hơn, dây thanh càng phù nề hơn.
Giáo viên khi bị khàn giọng không nên tự ý mua thuốc điều trị. Nhiều người mua kháng sinh sử dụng nhưng thực chất kháng sinh không có tác dụng trong điều trị dây thanh.
Bệnh hạt xơ dây thanh quản có thể điều trị nội khoa hoặc bằng phẫu thuật nội soi hạt xơ dây thanh quản.