Bệnh nhi V.T.L (11 tuổi, tỉnh Kiên Giang) nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) trong tình trạng mê, suy hô hấp nặng kèm sưng bầm vùng cổ chân phải với dấu rắn cắn ở mắt cá trong. Sau khoảng 10 giờ truyền huyết thanh kháng nọc, trẻ tỉnh, tự thở tốt và được cai máy thở.
Theo ghi nhận, các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận trẻ gặp tai nạn sinh hoạt và có xu hướng tăng vào dịp hè. Trong đó, có nhiều trường hợp bị ong đốt, rắn cắn.
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố tiếp nhận trẻ N.T.T.T (11 tuổi, tỉnh Long An) trong tình trạng lơ mơ, mê, tím tái, huyết áp khó đo, vàng da vàng mắt, tiểu ít màu xá xị. Bệnh nhi được chẩn đoán phản vệ độ III do ong vò vẽ đốt, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan. Sau gần 2 tuần điều trị, trẻ được cai máy thở, chức năng gan thận trở về bình thường, tỉnh táo, tiểu khá.
Không chỉ ở TPHCM, tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), đơn vị cũng vừa tiếp nhận và điều trị kịp thời bệnh nhi N.N.N.Q (7 tuổi, tỉnh Vĩnh Long) sốc phản vệ do bị ong đốt.
Các bác sĩ chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long khuyến cáo sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, cần được cấp cứu và xử trí kịp thời. Nếu sau khi bị côn trùng cắn, người bệnh có các biểu hiện nổi mề đay toàn thân, mệt, khó thở… cần đưa đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), số liệu thống kê tại TPHCM trong năm 2023, có hơn 19.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra trong độ tuổi 0-16 tuổi được ghi nhận, trong đó có hơn 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà.
Hiện nay, tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam lên đến 11%, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%). Mỗi ngày, ở Việt Nam, vẫn còn hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị tai nạn thương tích.
Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà trong kì nghỉ hè, HCDC khuyến cáo dù ở độ tuổi nào, để trẻ nhỏ ở nhà một mình là lựa chọn khá mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, khi không có lựa chọn nào khác để thay thế, phụ huynh cần trang bị cho con một số kiến thức tự bảo vệ bản thân khi ở nhà một mình và phải tập cho trẻ một số kĩ năng xử lý tình huống có thể xảy ra.
PGS.TS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, rắn cắn là một tai nạn khá thường gặp, thường xảy ra nhiều vào mùa mưa do rắn hay bò vào nhà, nhất là ở vùng nông thôn. Cách sơ cứu đúng là rửa sạch chỗ rắn cắn, sát trùng vết thương, trấn an nạn nhân, bất động chi bị cắn và đặt thấp hơn so với tim, nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế.
Trường hợp bị rắn hổ cắn, nên tiến hành quấn băng thun ngay phía trên vết rắn cắn để hạn chế nọc lan nhanh gây suy hô hấp do yếu liệt cơ. Bệnh nhân nên đến ngay cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời.