Ngày 15.5, trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, ngay sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh sởi tại huyện Buôn Đôn trong năm 2024 (em H’Q BYă, SN 2023 xã Ea Nuôl), đơn vị đã yêu cầu Trạm Y tế xã Ea Nuôl phối hợp với Trung tâm y tế huyện triển khai xử lý môi trường bằng hóa chất CloraminB ở nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh bán kính 200m với tổng 15 hộ gia đình.
Qua điều tra, rà soát thống kê của lực lượng chức năng, tất cả đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm Vaccine phòng bệnh sởi, sởi – rubella. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 6.800 trẻ em trên địa bàn được tiêm vaccine sởi – rubella, đạt tỉ lệ 23,4%.
Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk – nhìn nhận, có thể thấy tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi trên toàn tỉnh hiện nay chưa đạt ngưỡng đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Do đó, nguy cơ bùng phát bệnh sởi là rất lớn.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine sởi. Người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm thêm. Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 đến 11 tháng tuổi, chỉ có 80 đến 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỉ lệ bảo vệ là 90 đến 97%.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng của bệnh sởi.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn. Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu…
Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao kéo dài không hạ, trẻ thở nhanh, nôn ói, bỏ bú, li bì, khó đánh thức và co giật thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị. Đối với phụ nữ mang thai bị mắc sởi nên đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có phác đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.