Người bệnh là ông P.T.P (42 tuổi, TP Cần Thơ) đến điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long với triệu chứng thừa cân, ngủ ngáy nhiều, cảm giác ngưng thở khi ngủ, mỗi sáng thức dậy nặng đầu, buồn ngủ ban ngày, khó tập trung làm việc.
Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hen phế quản và ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nặng.
Tại đây, người bệnh được chỉ định thở áp lực dương liên tục khi ngủ, dùng thuốc điều trị hen phế quản và thăm khám điều trị ngoại trú trong 1 tháng.
Hiện sau 1 tháng điều trị, tình trạng hen phế quản cải thiện, người bệnh đã giảm số lần dùng thuốc cắt cơn hen, cảm nhận thở dễ dàng hơn, làm việc tập trung, tình trạng buồn ngủ ban ngày và ngủ ngáy cải thiện.
ThS.BS Huỳnh Anh Tuấn – Trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long – cho biết, những người bị ngưng thở khi ngủ thường không thể tự nhận biết vì xảy ra khi đang ngủ; triệu chứng ban đầu thường là buồn ngủ ban ngày, ngáy, nghẹt thở, thở hổn hển, đau đầu buổi sáng.
Một số trường hợp người thân quan sát thấy những đợt thở ngắt quãng, gắng sức khi ngủ thông qua tiếng ngáy thì nên động viên người bệnh đi khám bệnh để điều trị.
Theo thời gian, khi xuất hiện tình trạng ngưng thở, sức khỏe người bệnh sẽ bị suy giảm nhanh chóng và thậm chí còn có thể gây ra những biến chứng rất đáng tiếc như đột quỵ.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, khi người bệnh có triệu chứng nghi ngờ cần tầm soát bằng bảng câu hỏi, cùng các chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán. Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định chính là đa ký giấc ngủ.
Khi thực hiện, người bệnh sẽ ngủ lại một đêm tại bệnh viện và được theo dõi liên tục trong đêm. Sau khi có kết quả đa ký giấc ngủ, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn chi tiết, từ đó xác định được phương pháp điều trị thích hợp.