Daisuke Hori, 40 tuổi, đến từ tỉnh Hyogo ở phía tây Nhật Bản, cho biết anh đã rèn luyện não bộ và cơ thể hoạt động bình thường với thời gian ngủ tối thiểu và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.
Theo SCMP, Hori là một doanh nhân yêu thích âm nhạc, hội họa và thiết kế cơ khí. Anh bắt đầu cắt giảm thời gian ngủ từ 12 năm trước để có thêm nhiều giờ hoạt động hơn mỗi ngày. Từ đó, mỗi ngày anh chỉ ngủ 30-45 phút.
Anh cho biết: “Chỉ cần bạn chơi thể thao hoặc uống cà phê một giờ trước khi ăn, bạn có thể tránh được tình trạng buồn ngủ”.
Năm 2016, Hori thành lập Hiệp hội đào tạo người ngủ ít Nhật Bản, nơi anh tổ chức các lớp học về giấc ngủ và sức khỏe.
“Những người cần tập trung liên tục vào công việc sẽ được hưởng lợi từ những giấc ngủ chất lượng cao nhiều hơn so với giấc ngủ dài. Ví dụ, bác sĩ và lính cứu hỏa có thời gian nghỉ ngơi ngắn hơn nhưng vẫn duy trì hiệu quả cao”, anh nói.
Trong 1 chương trình thực tế có tên “Will you go with me?”, đài truyền hình Yomiuri TV của Nhật Bản đã theo dõi Hori suốt 3 ngày. Trong ngày đầu, Hori chỉ ngủ 26 phút và thức dậy tự nhiên, tràn đầy năng lượng.
Sau bữa sáng, anh đi làm và dành thời gian tập thể dục. Sơ yếu lý lịch trực tuyến của Hori tiết lộ anh đã dạy hơn 2.100 học sinh trở thành người có giấc ngủ cực ngắn.
Một trong số họ chia sẻ với kênh truyền hình Yomiuri TV rằng cô đã cắt giảm thời gian ngủ từ 8 tiếng xuống chỉ còn 90 phút/ngày sau khi tập luyện và duy trì điều này trong suốt 4 năm. Đồng thời, cô vẫn giữ được làn da và sức khỏe tinh thần ở tình trạng tốt.
Câu chuyện về Hori gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Một cư dân mạng nhận xét: “Anh ta là bậc thầy thực sự về quản lý thời gian. Tôi cũng muốn học cách ngủ ít hơn và làm việc hiệu quả hơn.”
Nhưng có ý kiến khác cho rằng: “Đây chính là tiêu hao sinh mệnh. Cho dù não có thể tỉnh táo, trái tim cũng không chịu nổi”.
Các bác sĩ cho biết giấc ngủ cực ngắn không phù hợp với tất cả mọi người và có thể gây ra tác dụng phụ.
Guo Fei, bác sĩ thần kinh tại Bệnh viện Xiehe Thâm Quyến, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, chia sẻ: “Người lớn nên ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi ngày. Giấc ngủ là khoảng thời gian quan trọng để cơ thể và não bộ phục hồi và sửa chữa”.
Bác sĩ nói thêm: “Thiếu ngủ mãn tính có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, suy yếu khả năng miễn dịch, rối loạn tâm trạng và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch”.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/nguoi-dan-ong-12-nam-ngu-30-phutngay-de-keo-dai-cuoc-song-1388072.ldo