Sau ăn sâu ban miêu chiên 30 phút, anh N.Đ.T có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tê bì đầu lưỡi và mặt, yếu cơ tứ chi, đái máu toàn bãi.
Sau khi các triệu chứng trên xuất hiện, người bệnh vào cơ sở y tế địa phương được chẩn đoán ngộ độc sâu ban miêu và được chuyển tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng mệt mỏi nhiều, yếu cơ tứ chi, tiêu cơ vân, suy thận cấp.
Theo TS Phạm Đăng Hải – Phụ trách Chủ nhiệm khoa Hồi sức nội khoa và chống độc (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), sâu ban miêu (hay còn gọi là ban mao, ban manh), có chứa chất độc là Cantharidin. Với lời đồn không có căn cứ khoa học ăn sâu ban miêu giúp tăng cường sinh lý, nhiều cánh mày râu đã ăn loài côn trùng này, dẫn đến tình trạng ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc Cantharidin ban đầu hình thành bọng nước ngoài da khi tiếp xúc, tiếp đến tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá, tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân N.Đ.T sau 2 tuần điều trị hồi sức nội khoa tích cực, truyền dịch, giải độc không đặc hiệu, theo dõi sát chức năng các tạng, tình trạng bệnh đã ổn định, cải thiện triệu chứng yếu cơ tứ chi, chức năng thận về bình thường và được ra viện.
Sâu ban miêu là một loại bọ có hình dáng giống bọ xít, độc tính cao có thể dẫn tới ngộ độc nếu dùng sai cách. Sâu ban miêu ở Việt Nam thường được tìm thấy trên thân cây đậu (còn được gọi là sâu đậu).
Ban miêu là một loại bọ cánh cứng, có màu đen, thân hình nhỏ, chiều dài khoảng 1,5 – 3cm chiều ngang khoảng 0,4 – 0,6cm. Đầu của ban miêu hình tim, có một rãnh nhỏ dọc ở giữa đầu, có 11 đốt và râu đen hình sợi. Ở Việt Nam, sâu ban miêu thường sống hoang ở nhiều vùng gồm cả đồi núi và đồng bằng.