Một ngày, chị N.T.L (TP Thủ Đức, TPHCM) phải tự xoa bóp hai cổ tay của mình không biết bao nhiều lần để cảm thấy dễ chịu hơn. Theo chị L, tay chị thường xuyên bị tê, nhưng sau đó tự hết. Dạo gần đây, chị liên tục làm việc với máy tính tần suất nhiều hơn nên tay lại tiếp tục bị sưng, đến bệnh viện thăm khám, chị L. được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay.
“Thời gian đầu cứ nghĩ do mình ít vận động và thường xuyên gõ bàn phím máy tính nên tôi chủ quan. Sau đó, tình trạng ngày càng nặng gây khó khăn trong công việc. Hiện tôi phải uống thuốc điều trị và hạn chế đánh máy” – chị L. cho biết.
Không chỉ có chị L., mà anh Nguyễn Thanh (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cũng thường xuyên đau mỏi cổ tay, lúc đầu nghĩ nhanh hết nên cố gắng nhịn để đợi bớt đau. Tuy nhiên, khi không chịu được nên anh đã đi khám bệnh tại TPHCM và được xác định mắc hội chứng ống cổ tay.
“Bác sĩ bảo tôi cần tái khám thường xuyên và chấp nhận sống chung với bệnh”, anh Thanh chia sẻ.
Theo TS.BS Đinh Vinh Quang – Trưởng Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), hội chứng ống cổ tay chiếm khoảng 5% trong dân số và thường gặp ở phụ nữ. Người bị hội chứng ống cổ tay thường đau, tê ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn, đau cổ tay và đôi khi vùng cẳng tay. Khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe máy, đánh máy vi tính… thì triệu chứng tê và đau sẽ nặng hơn. Một số trường hợp nặng bệnh nhân sẽ biểu hiện yếu tay, cầm đồ vật dễ rớt.
“Nếu đột nhiên cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu tay và tình trạng này càng ngày càng nặng hoặc cảm giác các ngón tay sưng phồng, đau, tê bì tay, gặp khó khăn khi thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách… là đã bị mắc hội chứng ống cổ tay”, bác sĩ Quang thông tin.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử nghề nghiệp, sau đó người bệnh sẽ được chỉ định đo điện cơ. Đa số người bệnh được điều trị triệu chứng bằng nội khoa là dùng thuốc. Trung bình sau 2 tuần dùng thuốc triệu chứng đau sẽ hết. Thỉnh thoảng phải xoa bóp vùng cổ tay, bàn tay sau khoảng hơn 1 giờ làm việc.
Người thường xuyên gõ bàn phím cần phải có thời gian nghỉ ngơi xoa bóp cổ tay, khi đánh máy tính cần có vật dụng mềm lót cổ tay để giảm áp lực các dây thần kinh. Đối với tài xế, nên hạn chế lái xe quá xa hoặc sử dụng cổ tay quá nhiều khi chạy xe, đồng thời giữ bàn tay, ngón tay ấm, bởi càng lạnh thì các ngón tay càng tê. Với người làm công việc nặng như các ngành xây dựng, công nghiệp… cần hạn chế hoạt động cổ tay trong thời gian quá lâu.