Từ sáng sớm ngày 17.5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã tổ chức tầm soát, khám sức khỏe bệnh lý tăng huyết áp miễn phí cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Hoa (76 tuổi, Quận 1, TPHCM) đã đến từ rất sớm để được bác sĩ tư vấn, kiểm tra huyết áp cho mình. Theo bà Hoa, bà đã mắc bệnh lý tăng huyết áp được khoảng 15 năm nay. Ban đầu chưa biết bệnh, bà thường xuyên chóng mặt, đau đầu, nhưng khi được gia đình đưa đi khám, bà mới biết mình bị tăng huyết áp và từ đó, bà uống thuốc theo dõi đều đặn.
“Sợ lắm, nên phải uống thuốc mỗi ngày. Bệnh này không biết biến chứng khi nào nên cứ phải phòng ngừa từ sớm cho chắc”, bà Hoa chia sẻ.
Ông Nguyễn Sơn (72 tuổi, Quận 12, TPHCM) cho biết, bản thân ông mỗi lần quên không uống thuốc cảm thấy mệt, thậm chí chóng mặt ngay lập tức. Vì vậy, suốt 20 năm mắc bệnh tăng huyết áp, ông cố gắng uống thuốc đều đặn. Bởi theo ông, với người lớn tuổi tỉ lệ biến chứng của bệnh rất cao.
Trong các bệnh không lây nhiễm, tăng huyết áp tiến triển thầm lặng nhưng rất nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác.
Theo kết quả điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021, tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20,2 triệu người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp với tỉ lệ 26,2 % (cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc).
Đặc biệt, trong 20,2 triệu người mắc tăng huyết áp tại cộng đồng, có tới khoảng 60% chưa được phát hiện và gần 70% chưa được điều trị.
Bà Nguyễn Ngọc Thuỳ Dương – Phó Giám đốc HCDC TPHCM cho biết, hiện nay, các cơ sở y tế đang triển khai cập nhật thông tin trên điện tử. Việc này giúp tìm hiểu xem người bệnh có được quản lý, điều trị liên tục hay không. Vì bệnh lý không lây, cần quản lý điều trị liên tục.
Bởi chúng ta biết, với những bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch… phải được theo dõi và điều trị liên tục mới giúp giảm ngừa các biến chứng. Nếu như phát hiện các trường hợp không được quản lý điều trị liên tục hoặc điều trị không hiệu quả thì cơ sở y tế sẽ tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh để hiểu thêm về việc tuân thủ điều trị.