Những tuần qua, thời tiết ở khu vực Nam Bộ và TPHCM nắng nóng liên tục, nền nhiệt độ cao. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em.
Dự báo của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, giữa tháng 3, nắng nóng diện rộng và nắng nóng gay gắt bao phủ gần như toàn bộ khu vực TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Theo bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm bùng phát một số bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn); say nóng, say nắng (sốc nhiệt); các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng…).
Trong các nhóm bệnh này, sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ.
Chia sẻ về dấu hiệu nhận biết của các bệnh lý này, bác sĩ Ngọc Phú khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý đến tình trạng sốc nhiệt khi trẻ đang hoạt động trong môi trường nóng kéo dài, kèm các biểu hiện sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh. Bên cạnh đó là dấu hiệu nôn ói, lừ đừ, lơ mơ, đi đứng không vững, hôn mê hoặc co giật.
Các bệnh lý của đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do virus, ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác như lị, tả (hiện ít gặp) với triệu chứng sốt, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đau bụng, tiêu đàm máu… và một số dấu hiệu đặc trưng khác tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn).
Phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi thấy có một trong các dấu hiệu gồm trẻ không tỉnh táo, lừ đừ; không uống được, bỏ bú; mất nước diễn tiến nặng: không có nước tiểu trong vòng 6 – 8 giờ, khóc không có nước mắt, da hoặc môi khô, mắt trũng.
Cha mẹ cũng đưa trẻ đến khám ngay khi trẻ bị tiêu chảy hơn 2 ngày không giảm; tiêu chảy có sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu.