Khoảng 15 năm trước, bà M.N.N (58 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang) đến một cơ sở làm đẹp thực hiện nâng mũi bằng vật liệu độn nhân tạo (silicon).
Cách đây 3 tháng, phần mũi bị viêm đỏ, sưng, đau nhức, bà N tự mua thuốc uống nhưng tình trạng đau nhức không giảm và đầu mũi chảy dịch mủ.
Sau đó, bà N đến khám tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Qua kiểm tra, thăm khám, bác sĩ nhận thấy mũi bà N. bị sưng, đỏ da, ấn đau, chảy mủ và lộ sụn nhân tạo ở đầu mũi và được chẩn đoán nhiễm trùng sau nâng mũi.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật rút vật liệu độn nhân tạo, làm sạch khoang đặt sống mũi. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút. Bệnh nhân được thiết kế tạo dáng sống mũi và đầu mũi bằng phương pháp ghép trung bì mỡ (trung bì mỡ lấy ở khe mông giúp giấu sẹo), độ an toàn và tương thích sinh học cao khi dùng chính các tế bào từ cơ thể để làm vật liệu cấy.
Sau 2 tuần điều trị ngoại trú, hiện sức khoẻ của bệnh nhân ổn định, tránh được biến chứng nguy hiểm là hoại tử đầu mũi. Đặc biệt, hình dáng mũi hiện tại và da đầu mũi hồi phục tốt.
Thạc sĩ – Bác sĩ Võ Hồng Phúc (Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị cong, vẹo mũi sau phẫu thuật hoặc viêm nhiễm nặng. Trong đó, các biến chứng thường gặp như đặt chất liệu mũi sai lớp, mỏng da, bóng đỏ da, lộ sống mũi, lộ hoặc thủng đầu mũi và hoại tử đầu mũi.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, mọi người cần tìm hiểu kỹ khi quyết định nâng mũi. Việc phẫu thuật thẩm mỹ tác động xâm lấn vào cơ thể, đòi hỏi cơ sở làm đẹp phải được cấp phép và phẫu thuật viên phải có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ để tránh hậu quả đáng tiếc.