Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15.8.2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 sẽ có các loại vaccine được bổ sung vào tiêm chủng mở rộng gồm: vaccine phòng Rota virus (vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota), năm 2025 sẽ thêm vaccine phế cầu, sau đó là vaccine HPV vào năm 2026 và vaccine cúm mùa vào năm 2030.
Vaccine phòng Rota virus sẽ được bổ sung để triển khai sớm nhất.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine phòng bệnh tiêu chảy do Rota virus được Bộ Y tế giao cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng đưa vào từ năm 2023. Tuy nhiên, để triển khai một loại vaccine mới trên khắp cả nước cần được chuẩn bị chu đáo, xây dựng các hướng dẫn, tập huấn trên quy mô toàn quốc.
Vaccine ngừa Rota virus sẽ được triển khai trước tại 33 tỉnh, thành. Đến cuối năm 2024, sẽ mở rộng phạm vi triển khai để đến năm 2025 có đủ vaccine triển khai cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước.
Nguồn vaccine Rota sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ có 20% do Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, còn lại 80% sẽ mua sắm vaccine sản xuất trong nước.
Rota virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có trong phân của người bị nhiễm bệnh, lây qua tiếp xúc đường miệng ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng.
Nhiễm trùng virus Rota có thể dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng, gây ra các ảnh hưởng lớn đến cơ thể như mất nước. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng mất nước có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tỉ lệ tiêm chủng nhiều vaccine mức thấp trong vòng hơn 30 năm qua. Việc tích lũy gia tăng số trẻ không có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi qua các năm là yếu tố quan trọng gây dịch nếu có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.
Dịch sởi trên toàn quốc vẫn diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm với hàng chục ngàn ca mắc. Đối với bệnh bại liệt, nguy cơ virus hoang dại xâm nhập vào Việt Nam trong bối cảnh căn bệnh này chưa được thanh toán trên toàn cầu đồng thời với nguy cơ virus vaccine biến đổi di truyền quay trở lại độc tố là hiện hữu trong khi tỉ lệ tiêm chủng vaccine bại liệt trong cộng đồng bị giảm xuống. Dịch các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản B… có nguy cơ tái diễn, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em còn ở mức cao.
Vì vậy, cần có các biện pháp can thiệp nhằm làm giảm số trẻ cảm nhiễm trước khi dịch bùng phát để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe trẻ em, duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, viêm gan B.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.