Không nên uống trà, cà phê ngay trước bữa ăn
Nhà dinh dưỡng, Kejal Shah – Giám đốc Công ty Nutrivity (chuyên về dinh dưỡng, quản lý bệnh tiểu đường, dinh dưỡng thể thao, quản lý cân nặng và tinh thần) – khẳng định nội dung trên và cho biết, gần đây, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đã ban hành một loạt hướng dẫn về chế độ ăn uống cho người Ấn Độ, trong đó chỉ ra rằng không nên uống trà và cà phê ngay trước bữa ăn.
Theo ICMR, không nên thưởng thức trà và cà phê cách nhau một giờ trước và sau bữa ăn. Bởi, việc tiêu thụ quá nhiều caffeine có trong trà và cà phê có thể kích thích hệ thần kinh và dẫn đến lệ thuộc sinh lý. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể chúng ta hấp thụ chất sắt.
Cả trà và cà phê cũng như các đồ uống chứa caffein khác đều chứa tannin, đây là hợp chất có thể liên kết sắt với dạ dày. Vì vậy, khi chúng ta không uống trà và cà phê gần bữa ăn, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho cơ thể hấp thụ tốt chất sắt. Điều này có thể ngăn ngừa các tình trạng như thiếu máu.
Trà và cà phê uống bao nhiêu là đủ
Bà Kejal Shah chia sẻ, liều lượng khuyến nghị cho trà và cà phê, theo hướng dẫn của ICMR là 300 miligam caffeine mỗi ngày. Một tách cà phê pha 150 ml có 80-120 mg caffeine, trong khi cà phê hòa tan có 50-60 mg caffeine. Khi nói đến trà, mỗi khẩu phần có từ 30 đến 65 mg caffeine. Điều quan trọng là phải ghi nhớ những số liệu này khi quyết định loại đồ uống ưa thích của bạn.
Tác dụng phụ của caffeine trong trà và cà phê
Bà Kejal Shah giải thích, caffeine là một chất kích thích tự nhiên, cũng như sô cô la nóng, nước tăng lực và nước ngọt. Mặc dù tiêu thụ vừa phải có thể khiến bạn tỉnh táo hơn và giảm mệt mỏi, nhưng bạn cần phải điều chỉnh lượng caffeine nạp vào. Từ việc kích thích não bộ quá mức đến các vấn đề như mất ngủ và các vấn đề về tiêu hóa, tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể cực kỳ bất lợi cho sức khỏe của bạn.