Bệnh gút là tình trạng xảy ra khi axit uric bị tích tụ ở khớp, thường là ở ngón chân, bàn chân. Cơ thể người tự tạo ra axit uric bằng các phân hủy purine từ thức ăn. Như vậy, việc áp dụng chế độ ăn ít thịt, rượu và nhiều rau, trái cây là phương pháp hữu hiệu giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể và ngăn chặn các cơn tái phát bệnh gút.
Những lợi ích của bông cải xanh với người mắc bệnh gút
Hàm lượng purine thấp
Trong 100 gam bông cải xanh chỉ chứa từ 50 – 100 miligam purine. Vì vậy, bông cải xanh được xếp vào nhóm thực phẩm có hàm lượng purine thấp nên được đưa vào chế độ ăn của người mắc bệnh gút.
Tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như bông cải xanh có thể giúp bệnh nhân gút giảm thiểu việc sản sinh axit uric trong cơ thể, tránh nguy cơ hình thành các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp và giảm khả năng bùng phát bệnh gút.
Những lợi ích tuyệt vời khác
Ngoài việc chứa ít purine, bông cải xanh còn chứa nhiều chất tốt cho sức khỏe tổng thể và có khả năng hỗ trợ kiểm soát bệnh gút. Trong bông cải xanh có chứa:
Vitamin: Bông cải xanh là nguồn cung cấp vitamin phong phú, trong đó có vitamin C. Theo một số nghiên cứu đã cho thấy, bổ sung vitamin C giúp giảm lượng axit uric trong máu.
Chất chống oxy hóa: Trong bông cải xanh có chứa chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm viêm.
Chất xơ: Hàm lượng chất xơ cao trong bông cải xanh có thể giúp hỗ trợ kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ béo phì – một nguy cơ gây nên bệnh gút.
Bên cạnh bông cải xanh, một số thực phẩm, vitamin và chất bổ sung khác cũng có lợi cho người mắc bệnh gút, bao gồm:
Vitamin A, E và C.
Khoáng chất: Kali, kẽm, canxi, đồng, sắt, selen.
Chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và trái cây.
Sữa ít béo hoặc sữa không béo.
Protein từ đậu nành, các loại hạt.
Tóm tắt
Bông cải xanh là thực phẩm có lợi cho người bị bệnh gút nhờ chứa hàm lượng purin thấp. Bông cải xanh cũng giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin C, chất chống oxy hóa,… có thể hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể và tăng khả năng chống viêm của cơ thể.