Tự dùng thuốc có corticoid mắc bệnh mà không biết
TS.BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai – chia sẻ về ca lâm sàng điển hình cho việc lạm dụng thuốc corticoid: Nữ bệnh nhân 23 tuổi, cao 1m50, nặng 57kg, sống ở Hà Nội được mẹ đưa đến khám vì thấy mặt béo tròn và mệt.
Khám lâm sàng, bác sĩ thấy mặt bệnh nhân béo tròn, bụng to, chân tay teo… đặc biệt ở vị trí bụng và đùi có rất nhiều vết rạn da màu đỏ. Chẩn đoán ban đầu hướng đến Hội chứng Cushing do thuốc và có suy tuyến thượng thận.
Khai thác bệnh sử, cô gái kể là bị viêm mũi từ lâu, cứ ngạt mũi là sử dụng thuốc xịt mũi, trung bình xịt ngày 3-4 lần. Xem thành phần của lọ xịt mũi thì có Dexamethasone là loại corticoid rất mạnh, nếu dùng kéo dài dễ gây ra nhiều biến chứng như suy thượng thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, loét dạ dày, rối loạn tâm thần… Với trường hợp của bệnh nhân này thuốc còn gây lùn và lão hóa sớm. Sau khi nghe bác sĩ phân tích, mẹ bệnh nhân thú nhận là bà cũng thường xuyên dùng loại thuốc xịt mũi này.
Bác sĩ quan sát gương mặt của mẹ bệnh nhân thấy mặt bà cũng béo, tròn và chân tay teo…
TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết thêm, tại khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tuần nào cũng có khoảng 10 bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám.
Người bệnh đến khám vì những lý do rất vu vơ như mệt, đau mỏi xương khớp, phù, tăng cân… Tuy nhiên, trong đó 2/3 ca bệnh là chẩn đoán qua “xem mặt mà bắt hình dong” vì nhìn mặt họ đã có thể biết được bệnh. Tuy nhiên, có nhiều người bệnh đã đi qua nhiều phòng khám trong thời gian dài mà không có chẩn đoán chính xác.
Hậu quả khôn lường
Nhóm thuốc corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch; được áp dụng trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau: khớp, dị ứng, thận, hô hấp…
Bên cạnh những mặt lợi do nó mang lại thì còn có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ bất lợi: Đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến vỏ thượng thận nếu lạm dụng.
Các bác sĩ lâm sàng thường sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi chỉ định điều trị bằng nhóm thuốc này và sẽ phải khuyến cáo người bệnh các tác dụng phụ cũng như cách theo dõi chúng.
Tuy nhiên, với thực trạng tại Việt Nam hiện nay, người bệnh có thể dễ dàng mua được nhóm thuốc này kể cả khi không có đơn của bác sĩ và khả năng tuân thủ điều trị kém của người bệnh thì tình trạng lạm dụng nhóm thuốc này càng đáng lo ngại.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết, tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng corticoid là suy thượng thận do thuốc, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp và đã có trường hợp bị tử vong.
Ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân bị suy thượng thận khá cao, chủ yếu do dùng thuốc vô tội vạ, nhưng các bác sĩ thường lúng túng trong chẩn đoán suy thượng thận cấp khi bệnh nhân nhập viện.
Thuốc bị lạm dụng theo “đường truyền miệng” để điều trị các bệnh như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau lưng, gút, thoái hóa khớp, viêm phổi, hen… dưới các dạng bôi, hít, uống và tiêm…
Người sử dụng không biết rằng, các thuốc này có thể gây rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đục thủy tinh thể, loãng xương… thậm chí rối loạn tâm thần. Gần đây các thuốc corticoid được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc được quảng cáo là “đông y” chữa bách bệnh.
Việc sử dụng corticoid như con dao hai lưỡi. Vì vậy, để phát huy hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng bất lợi của nhóm thuốc này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt các loại thuốc nam, thuốc bắc trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ.