Một bệnh nhân nữ 65 tuổi, ngụ tại TPHCM được các bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng và điều trị phẫu thuật kết hợp với hóa trị. Trong giai đoạn sau phẫu thuật, bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi nhiều, cảm giác không có sức, đau âm ỉ vùng bụng dưới, kèm tê các đầu ngón tay và ngón chân.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Cơ sở 3) khám và được bác sĩ chỉ định điều trị y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại nhằm giảm nhẹ những cơn đau sau phẫu thuật.
Theo ThS BS.CKI Ngô Văn Tân – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Cơ sở 3), bệnh nhân cần được sử dụng thuốc sắc thảo dược, châm cứu và xoa bóp bấm huyệt. Kết quả sau đợt điều trị, người bệnh giảm mệt mỏi, giảm đau vùng bụng và giảm tê bàn tay.
Ung thư buồng trứng là một trong ba bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ hai trong ung thư phụ khoa trên toàn thế giới. Do vị trí giải phẫu đặc biệt và các triệu chứng khó nhận biết nên ung thư buồng trứng khó được chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Vì vậy, người bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn với các triệu chứng lâm sàng như chướng bụng, đau bụng vùng khung chậu, đi tiểu nhiều lần, rối loạn kinh nguyệt,…
Cũng theo bác sĩ Tân, phương pháp điều trị hiện nay bao gồm phẫu thuật kết hợp hóa trị là phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư buồng trứng. Bên cạnh các ưu điểm, các phương pháp này luôn đi kèm với tình trạng kháng thuốc và một số tác dụng phụ như buồn nôn và nôn, mệt mỏi, tê tay chân, mất ngủ, suy giảm chức năng chức năng miễn dịch…
Y học cổ truyền đã và đang được nghiên cứu trong nhiều bệnh lý khác nhau do tính hiệu quả cao, độc tính thấp và rất ít tác dụng phụ. Theo quan điểm y học cổ truyền, ung thư buồng trứng có do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, hậu quả dẫn đến khí hư, hàn tà xâm phạm và huyết ứ. Khí hư không thúc đẩy được huyết lưu thông, tính chất của hàn tà là ngưng trệ, góp phần gây cản trở sự vận hành của huyết, cuối cùng gây nên tình trạng huyết ứ. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, sử dụng kết hợp thảo dược y học cổ truyền giúp hạn chế tác dụng phụ, tăng hiệu quả tác dụng của hóa trị, có thể kéo dài thời gian sống sót và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư buồng trứng.
Không chỉ riêng ung thư buồng trứng, người bệnh mắc các bệnh lý ung thư khác cũng thường xuyên xuất hiện các tác dụng phụ sau khi điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Điều này, khiến cho người bệnh suy giảm chất lượng cuộc sống, tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng trầm trọng, hậu quả gây hạn chế hiệu quả và tuân thủ điều trị.