Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ không phép
Hiện nay, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng. Nắm bắt nhu cầu này, thị trường làm đẹp “chui” hoạt động rầm rộ từ cơ sở thẩm mỹ không phép, kỹ thuật sai, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đi kèm với những lời quảng cáo “có cánh”.
Tại TPHCM, các vụ tai biến do làm đẹp tại các cơ sở trái phép liên tục xảy ra, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Thời gian qua, các bệnh viện tại TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai biến vì làm đẹp ở các cơ sở không chính thống hoặc tự ý làm đẹp cấp tốc, để lại tai biến cũng như biến chứng nặng nề.
Ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, những tháng đầu năm 2024, một trong những tai biến mà các bác sĩ Khoa Thẩm mỹ da thường gặp liên quan đến bệnh nhân mong muốn làm đẹp nhanh chóng thông qua các thủ thuật tiêm chích như tiêm chất làm đầy (filler), tiêm botox, tiêm meso căng bóng da… Những thủ thuật này chỉ được đảm bảo an toàn khi thực hiện theo quy trình, tại các cơ sở uy tín.
“Một số trường hợp bệnh nhân tiêm các chất không rõ nguồn gốc để lại hậu quả nặng nề. Nặng nề nhất là trường hợp tắc mạch do tiêm filler hoặc tiêm các chất không rõ nguồn gốc nhưng không thể tan để lại nốt, cục trên da, rất khó điều trị” – ThS.BS Nguyễn Duy Quân – Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết.
Tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ làm đẹp
Để đảm bảo sức khỏe của người dân khi làm đẹp, Sở Y tế TPHCM tăng cường kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.
Đầu tháng 3, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện các trang mạng xã hội website: nanozelle.com và trang facebook Nanozelle Academy, K-Viện Đào tạo Thẩm mỹ Hàn Quốc… có đăng tải các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và các chương trình đào tạo tiêm filler, botox; đào tạo căng chỉ thẩm mỹ và đào tạo liệu trình đẹp da có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại địa chỉ 145 Nguyễn Văn Đậu, phường 5, quận Bình Thạnh. Đây là địa chỉ của Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất địa chỉ này. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được giấy phép nào về hành nghề thẩm mỹ và đào tạo thẩm mỹ của các sở có liên quan.
Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở ngưng ngay các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và đào tạo tại cơ sở khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định; tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế; tạm giữ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại cơ sở để tiến hành xử lý theo quy định.
Sở Y tế TPHCM đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tác hại sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện để người dân biết và phòng tránh.
Đồng thời, phổ biến các quy định pháp luật về y tế; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục phối hợp, phát huy hiệu quả ứng dụng y tế trực tuyến, phát triển quy trình phản ứng nhanh để tiến hành kiểm tra đột xuất, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm, Sở Y tế TPHCM nhận định hiện nay, tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm đa dạng về chủng loại, xuất xứ diễn ra trên mạng internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội rất khó kiểm soát.
Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm nói chung và trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm trái phép; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng không phù hợp hoặc vượt quá tính năng, công dụng như đã công bố.