Bác sĩ Trần Thế Vinh, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh Kiên Giang cho biết, trường hợp bệnh nhân tử vong ngụ tại huyện An Biên, người này dương tính với HIV. 2 trường hợp còn lại được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định.
Người chăm sóc trực tiếp là người nhà bệnh nhân đều không di chuyển đi nơi khác, không tiếp xúc với ai ngoại trừ các thành viên trong gia đình. Từ ngày điều tra ca bệnh đến hiện tại trạm y tế vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe của người nhà bệnh nhân, không ghi nhận các triệu chứng bất thường.
Bác sĩ Vinh cho biết thêm, trường hợp tử vong vào 5.2.2024 ở huyện An Biên đã được điều trị khỏi bệnh đậu mùa khỉ và ca này tử vong do bệnh HIV chứ không phải do bệnh đậu mùa khỉ.
Bác sĩ Vinh cũng thông tin, hiện tại không phát hiện chùm ca lây nhiễm ở cộng đồng và tất cả được tham mưu xử lý ổ dịch đúng quy định. Các trung tâm y tế phối hợp với trạm y tế các xã liên quan đến nhà của ca bệnh để xác minh và tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách và theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần; tiến hành phun hóa chất khử khuẩn nhà ca bệnh và các hộ xung quanh.
Ngoài ra, theo ngành y tế triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ có thể nhận biết như: Sốt cao, đau cơ, hạch bạch huyết, phát ban,… Thông thường bệnh này có thể kéo dài 2 – 4 tuần và triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện sau khi cơ thể nhiễm virus từ 5 đến 21 ngày.
Dựa theo những phân tích y khoa, bệnh đậu mùa khỉ có 3 con đường lây nhiễm chính cần lưu ý: Lây nhiễm thông qua vết xước, vết cắn mà động vật cắn đã nhiễm vi rút; Người ăn thịt động vật và động vật bị ăn thịt đó đang nhiễm bệnh; Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO khẳng định, bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm virus cũng như mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trẻ em, phụ nữ đang mang thai, những người bị suy giảm hệ miễn dịch là nhóm đối tượng có nguy cơ đặc biệt cao.
Cách phòng tránh đơn giản là không tiếp xúc với những loại động vật có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ, thực hiện tốt quy trình vệ sinh tay bằng việc rửa tay bằng xà phòng, cồn, chất khử trùng. Nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hoặc sau khi tiếp xúc với đối tượng có nghi ngờ nhiễm bệnh.
Nên lưu ý khi sử dụng các loại động vật có nguồn gốc và đảm bảo an toàn khi chế biến cũng như thức ăn phải được nấu chín. Không nên sử dụng các loại thịt tái có thể tăng cao nguy mắc bệnh.