Khi người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế
Cuối năm 2022, tình trạng thiếu thuốc điều trị đã xảy ra trên diện rộng. Thời điểm đó, ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận: Một số địa phương thiếu thuốc như Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, TP Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư.
Đến thời điểm này, tình trạng người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra.
Chị Trần Nga ở tỉnh Nghệ An bức xúc: “Con tôi nhập Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An lúc 12h đêm, không có ai phụ bên cạnh, con khóc nhưng bệnh viện yêu cầu người nhà ra ngoài mua kim luồn, dây nối, ống thở…”.
Ông Võ Công Tâm ở tỉnh Vĩnh Long phản ánh: “Bố tôi đi xét nghiệm máu vì bị gout và tiểu đường tại Bệnh viện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) được thông báo hết dịch (dung môi) xét nghiệm nên không làm xét nghiệm. Bệnh viện yêu cầu người bệnh ra ngoài phòng khám tư nhân cạnh bệnh viện làm xét nghiệm rồi cầm vào cho bác sĩ chẩn đoán”.
“Anh tôi tai nạn, đứt lìa ngón tay, đến khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện khu vực tỉnh An Giang ở Châu Đốc cấp cứu điều trị. Ở đây, người bệnh phải tự đi mua thuốc tiêm ngừa uốn ván, khi mổ thì phải tự đi mua chậu nhựa, giấy vệ sinh, khăn lót… rồi khi bó bột cũng phải tự đi mua bột và vải băng để bó. Cả một đợt điều trị, chỉ có thuốc giảm đau là được viện cấp cho uống, còn lại tự đi mua tất cả. May mắn là kim tiêm, bơm tiêm thì không mua, nhưng lại không nằm trong danh mục được hưởng BHYT, nên cũng chi trả 100%”, ông Trần Văn Nhơn ở An Giang cho biết.
Tháo gỡ cho người bệnh
Liên quan đến việc thiếu thuốc trong thời gian qua, ông Lê Văn Phúc cho hay, Nghị định 146 của Chính phủ quy định phải đảm bảo cung ứng thuốc cho người tham gia BHYT. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
“Việc người bệnh phải tự mua thuốc là điều không mong muốn. Ngoài chi phí, người bệnh cũng gặp nhiều rủi ro khi phải tự mua thuốc, vật tư theo chỉ định của bác sĩ như mua phải hàng kém chất lượng. Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Y tế để bộ có hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các thủ tục như hóa đơn chứng từ, đến đâu để nộp, thời hạn thanh toán và đang chờ ý kiến hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc thanh toán BHYT với những người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế theo chỉ định của bác sĩ sẽ được tiến hành chặt chẽ, tránh tình trạng trục lợi”, ông Lê Văn Phúc nói.
Theo ThS Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh nếu có đủ 3 điều kiện:
Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định; Không sẵn có vật tư y tế phù hợp mà người bệnh được chỉ định sử dụng.
Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; Người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định; không sẵn có vật tư y tế phù hợp mà người bệnh được chỉ định sử dụng.
Dù có đủ 3 điều kiện nhưng không phải bệnh nhân mua tại nhà thuốc nào cũng được thanh toán, mà phải mua ở các nhà thuốc đã trúng thầu tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào đó.
Để được thanh toán, người bệnh hoặc thân nhân người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế đã được bác sĩ chỉ định cùng hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế. Chi phí cơ quan BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí được ghi trên hóa đơn hợp pháp của người bệnh mà nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng, cung cấp và theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.