Ô nhiễm môi trường tới mức cảnh báo
Từ tháng 11.2023 đến nay, rất nhiều ngày, tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ở mức xấu, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khoẻ người dân.
Có nhiều thời điểm, ứng dụng IQ Air liên tục xếp Hà Nội trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Có thời điểm ứng dụng này xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới.
Báo cáo của Sở TNMT Hà Nội cho thấy, kết quả phân tích từ 34 trạm quan trắc của Sở TNMT Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, ở khu vực nông thôn, chất lượng không khí được cải thiện nhất, với tỉ lệ ngày tốt và trung bình là 98,6%; khu vực đô thị, cận đô thị, tỉ lệ ngày tốt, trung bình là 80,9%, còn lại là ngày kém và xấu. Trong khi đó, quan trắc đối với loại hình giao thông cho thấy, tỉ lệ ngày tốt và trung bình là 63%, còn lại là ngày kém, xấu và rất xấu. Những ngày chất lượng không khí từ mức kém đến mức rất xấu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – cho biết, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là từ chính các hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu có tính chất tác động. Trong và ngoại Thành phố Hà Nội, nhiều cơ sở tái chế như tái chế nhôm, chì… không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Đây là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5.
Với những phân tích trên, mùa cao điểm ô nhiễm không khí ở Hà Nội và khu vực miền Bắc sẽ còn kéo dài liên tục 3 tháng chính đông là tháng 12, tháng 1 và tháng 2. Khi thời tiết dần chuyển sang hè thì tình trạng này mới chấm dứt.
Nhiều bệnh có thể sinh ra do ô nhiễm không khí kéo dài
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.
Ngoài ra tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.
Để bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý môi trường y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.
Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (6 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể: Khoảng giá trị AQI 0-50 là tốt (xanh); 51-100 là trung bình (vàng); 101-150 là kém (da cam); 151-200 là xấu (đỏ); 201-300 rất xấu (tím); 301-500 là mức nguy hại (nâu).
PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh – giảng viên Bộ môn Sức khoẻ môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng – cho biết, mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít đến 20.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực.
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới và một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, phơi nhiễm với ô nhiễm không khí tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong do các bệnh cấp tính và mạn tính. Các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu.
Những nhóm đối tượng nguy cơ cao chịu tác động của ô nhiễm không khí là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người đang mắc các bệnh mạn tính… Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ nếu không khí ở mức nguy hại 3 ngày liên tục.