Hiểu nhầm nghiêm trọng
Natri bicarbonat (NaHCO3) thường được biết đến với tên gọi baking soda, là một hoạt chất được ứng dụng rộng rãi trong công nghệ thực phẩm, y tế, làm thuốc, đồng thời cũng có thể làm sạch bề mặt, cọ rửa, khử mùi… hiệu quả.
Do tính ứng dụng đa dạng, nên trên nhiều diễn đàn lan truyền thông tin về việc baking soda là hóa chất tẩy rửa, việc ứng dụng trong lĩnh vực y tế như sản phẩm như kem đánh răng, gạc rơ lưỡi hay nước súc miệng sẽ khiến mòn men răng, gây hại sức khỏe. Thông tin được lan truyền rất nhanh, ngay lập tức khiến người tiêu dùng hoang mang.
Chị Đinh Hương Thảo (35 tuổi – Việt Trì) vẫn thường bỏ một chút baking soda để tạo độ mềm xốp khi làm làm bánh, hay khi có hiện tượng ợ hơi, ợ chua cũng pha 1 muỗng uống cho dịu cơn, gia đình chị cũng đang dùng kem đánh răng chứa baking soda. Nhưng khi nghe tin đồn baking soda gây hại cho sức khỏe, gây biếng ăn, mòn men răng, chị không khỏi băn khoăn.
“Tôi hay dùng lắm, cũng chẳng thấy có vấn đề gì. Nhưng mấy hôm nay xem trên TikTok, rồi xem trên mạng có tin đồn là baking soda độc lắm, rồi khuyên không dùng chất tẩy rửa, mài mòn để dùng trong miệng. Tôi thấy đúng là người ta hay dùng baking soda để cọ rửa khử mùi thật nên cũng đang không hiểu thế nào”.
Baking soda trong dược phẩm phải là loại tinh khiết
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Duy – Giảng viên khoa Dược lý, Dược lâm sàng, Đại học Dược Hà Nội, baking soda là một chất rắn có màu trắng tinh thể, thường được sử dụng dạng bột mịn và dung dịch. Với hàm lượng phù hợp, baking soda được sử dụng với vai trò làm thuốc như chống toan hóa máu, chống acid dạ dày, kiềm hóa nước tiểu, phòng chống các bệnh nha chu, chống sâu răng, nấm miệng…
Bản thân baking soda không độc, các chất này có trong danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm với liều lượng 2000mg/kg theo Thông tư 27/2012/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành. Việc dùng baking soda tinh khiết với liều lượng cho phép sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đối với baking soda được chia thành 3 cấp độ: Cấp độ 1: baking soda thô dùng trong công nghiệp, cấp độ 2: baking soda tinh khiết dùng trong thực phẩm, và cấp độ 3 là baking soda dùng trong dược phẩm, y tế đòi hỏi độ tinh khiết cao nhất.
Baking soda dùng trong công nghiệp có lẫn nhiều tạp chất chưa tách ra trong quá trình sản xuất còn tồn dư như chì, asen, thủy ngân… có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Còn baking soda trong y tế phải đạt tiêu chuẩn COA (Chứng nhận phân tích) về thành phần nguyên liệu mới được sử dụng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Phương – Nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cho biết: “Natri Bicarbonat (NaHCO3) là nguyên liệu được sử dụng rất nhiều trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế nhóm A, hoặc là có thể sử dụng như một phụ gia thực phẩm. Tùy theo đối tượng sử dụng, NaHCO3 phải đạt các tiêu chuẩn tương ứng.
NaHCO3 dược dụng thì phải đạt các tiêu chuẩn dược điển theo quy định dược điển Việt Nam. Đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn nhà sản xuất đã đưa ra. NaHCO3 được sử dụng với hàm lượng khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.
Các nhà khoa học chia sẻ cách đơn giản để nhận biết NaHCO3 tinh khiết là có màu rất trắng, không mùi, không vị. NaHCO3 dùng trong công nghiệp có mùi vôi vì chất này chưa đủ lượng khí hydro trong quá trình điều chế.
Khi được hỏi về tiêu chuẩn và hàm lượng baking soda trong sản phẩm gạc rơ lưỡi gần đây được nhắc tên, đại diện một doanh nghiệp dược phẩm cho biết: “Khi dùng bất cứ hoạt chất nào cho trẻ, tính an toàn trên đối tượng đặc biệt này cần phải được đánh giá kỹ lưỡng và cẩn trọng.
Thực tế, nguyên liệu baking soda chúng tôi sử dụng trong gạc rơ lưỡi đạt độ tinh khiết 99.5% theo tiêu chuẩn chứng nhận phân tích, đồng thời hàm lượng đảm bảo theo đúng quy chuẩn Bộ Y tế quy định, dựa trên khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nên thành phần và hàm lượng baking soda trong sản phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.