Chuyển giao kĩ thuật, đào tạo tại chỗ để nâng cao năng lực chuyên môn
Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM là một trong những bệnh viện tuyến cuối được Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về điều trị các bệnh liên quan đến trẻ em.
Theo PGS.TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, liên quan đến hoạt động chỉ đạo tuyến bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM), bệnh viện đã triển khai chuyển giao các gói kĩ thuật, đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn tuyến cơ sở. Tổ chức huấn luyện sinh hoạt chuyên đề telehealth, cập nhật các phác đồ điều trị, giám sát, hội chẩn từ xa…
Bên cạnh đó, công tác hội chẩn ca khó ở tỉnh cũng đạt hiệu quả tốt, hội chẩn từ xa giúp cho các bệnh viện tỉnh giảm được tử vong nhiều, đặc biệt các tỉnh từ xa.
Đối với hoạt động lên phác đồ điều trị, sau dịch COVID-19, chuỗi cung ứng vật tư y tế và thuốc bị đứt gãy, các thuốc quý hiếm không thể nào đáp ứng đủ 100%. Nên các bệnh viện Nhi TP là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới… đồng thuận xin ý kiến của Bộ Y tế để tạm thời điều chỉnh thuốc điều trị SXH. Điều này đã thống nhất được phác đồ điều trị, giảm áp lực cho nhân viên y tế an tâm cứu người, giảm rủi ro.
Còn dịch bệnh TCM, những tháng đầu năm thấp, nhưng từ tháng 6 bắt đầu xuất hiện nhiều. Đỉnh dịch năm nay là tháng 7 đã cao so với những năm trước là tháng 9, 10; 80% tác nhân gây bệnh EV71, B5.
Qua xây dựng kho dữ liệu cập nhật tình khám chữa bệnh của 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị dịch bệnh, cho thấy số lượng bệnh nhân khám nhập viện nặng tăng cao 2-3 lần.
Dự báo bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp năm 2024 tăng
PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, năm 2023 ngoài các dịch bệnh như TCM, SXH… năm nay thêm dịch bệnh đậu mùa khỉ, phát hiện 117 ca mắc tại 10 tỉnh/thành phố, trong đó có 6 ca dương tính với HIV/AIDS.
Viện Pasteur TPHCM đã giải trình tự 12 mẫu kiểu gen C1, gây dịch từ năm 2022 đến nay, từ đó có những nghiên cứu chẩn đoán bệnh và khoanh vùng dịch nhanh chóng.
Cũng theo ông Vũ Trung, một trong những thách thức lớn của công tác phòng chống dịch là sự giao thoa gia cầm, động vật và các loài chim di cư làm tăng khả năng lan truyền giữa các loài và sự xuất hiện các chủng cúm mới.
Chính vì vậy, Viện Pasteur TPHCM dự báo tình hình bệnh truyền nhiễm năm 2024 các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: COVID-19, cúm gia cầm, tác nhân gây viêm hô hấp có khả năng tăng.
Đối với khu vực phía Nam, dịch bệnh TCM hiện nay có giảm nhưng có thể quay trở lại, SXH có khả năng tăng tiếp tục.
Trước tình hình trên, Viện Pasteur TPHCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Có thể nói, trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới, hoạt động giám sát điều trị, nghiên cứu sẽ có điều chỉnh theo hướng phù hợp.
Việc xuất hiện những biến chủng mới cũng gây ra lo ngại nhất định nên sẽ có những chuẩn bị cho những tình huống trong thời gian tới.