Sau 8 tiếng đồng hồ nằm xe khách từ quê lên TPHCM để khám bệnh, bệnh nhân N.T. (51 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) được bác sĩ chẩn đoán viêm đường tiết niệu, cần điều trị tích cực và lâu dài.
Trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân T. thường xuyên cảm thấy khó chịu mỗi khi đi tiểu, với triệu chứng tiểu buốt, tiểu lắt nhắt kéo dài. Tuy nhiên, bệnh nhân T. nghĩ rằng do cơ thể “nóng trong” nên đã tự ý mua thuốc về uống.
Sau khi uống thuốc, các triệu chứng giảm đáng kể, bệnh nhân ngừng thuốc và sinh hoạt bình thường trở lại. Khoảng ba tháng sau, các triệu chứng tái phát và nặng hơn, có lần đi tiểu ra máu.
Tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), bệnh nhân T. được chẩn đoán viêm đường tiết niệu và kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng đa kháng thuốc, cần phải điều trị lâu dài.
Theo ThS.BS Trang Võ Anh Vinh – Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bình Dân, vi khuẩn thường gây ra viêm đường tiết niệu là Escherichia coli (E. coli).
Ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân sau dịch COVID-19 cho thấy số lượng bệnh nhân kháng thuốc gia tăng, có thể do trong giai đoạn dịch bệnh, việc điều trị không được thực hiện kịp thời, hoặc có nhiều nguyên nhân khác khiến bệnh trở nặng. Do đó, trong cộng đồng đã xuất hiện những tác nhân lạ và đa kháng thuốc.
Cũng theo bác sĩ Anh Vinh, để xác định vi khuẩn kháng thuốc, cần phải phân loại đúng tác nhân chính của bệnh, từ đó mới xác định được bệnh nhân có kháng thuốc hay không.
Mức độ tổn hại của kháng thuốc đối với người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, có thể liên quan đến cơ địa của mỗi người, để từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Vấn đề kháng thuốc đặc biệt nghiêm trọng ở những bệnh nhân có bệnh lý nền, ung thư, hoặc những người có bất thường về viêm đường tiết niệu, suy giảm miễn dịch, hoặc nằm viện lâu ngày – đây là những đối tượng dễ có khả năng gặp phải tác nhân đa kháng thuốc.
“Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu đa kháng thuốc của Bộ Y tế, bác sĩ cũng cần cá thể hóa điều trị dựa trên bệnh sử, triệu chứng, cũng như lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân để đưa ra y lệnh phù hợp.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm các mẫu như nước tiểu, dịch, máu… để xác định tác nhân gây bệnh và từ đó đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp”, bác sĩ Anh Vinh cho biết thêm.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/gia-tang-ti-le-viem-duong-tiet-nieu-do-vi-khuan-khang-thuoc-1389381.ldo