Chủ quan với dịch sốt xuất huyết
Đang thu dọn đồ đạc và đợi nhân viên y tế đưa giấy xuất viện cho con được về nhà sau hơn 1 tuần đánh vật với bệnh sốt xuất huyết, anh Trần Công Đồng (quận Gò Vấp, TPHCM) vẫn chưa hết vui mừng vì con đã khỏe lại.
Theo anh Đồng, trước đó con anh 6 tuổi đang đi học thì có biểu hiện đau bụng dữ dội và gia đình nghĩ con bị đau bụng do tiêu hóa. Ngay trong tối ngày đầu tiên bé sốt cao 38-39 độ C, mỗi lần uống thuốc thì lại hết nên gia đình hôm sau vẫn cho con đi học. Đến chiều ngày thứ 2, cơn sốt lại xuất hiện nên gia đình cho về nhà uống thuốc. Ngày thứ 3, nhận thấy tình trạng sốt không ngưng nên anh Đồng đã đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, qua thăm khám bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốt xuất huyết độ 3, cần truyền dịch khẩn cấp.
“Gia đình chủ quan, cứ nghĩ con sốt thông thường chứ không nghĩ nặng vậy. Đáng ra thấy con sốt tới ngày thứ 2 nên đưa cháu đi khám rồi, mà khu vực nhà ở cũng có nhiều bụi rậm nhưng không nghĩ cháu lại bị sốt xuất huyết”, anh Đồng chia sẻ.
Hay trường hợp bệnh nhi C.C.V. (sinh năm 2020, là người Campuchia đang sinh sống tại địa bàn giáp ranh tỉnh Bình Phước). Bệnh nhi V. nhập khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch do sốt xuất huyết, suy hô hấp, mạch huyết áp khó đo, sốc kéo dài, suy đa cơ quan, tổn thương gan thận rất nặng và mất máu.
Ngay lập tức, bệnh nhi được cho thở máy, chống sốc với dung dịch điện giải, cao phân tử, truyền bù các chế phẩm máu, sử dụng thuốc vận mạch và trợ tim. Sau 24 giờ hồi sức tích cực, tình trạng huyết động vẫn chưa ổn định.
Đến ngày thứ tám của bệnh, tức sau 5 ngày nhập viện điều trị, bệnh nhi không còn tình trạng xuất huyết, huyết động cải thiện dần, chức năng gan, thận dần phục hồi. Hiện bệnh nhi đã được ngưng lọc máu, cai máy thở và ra khỏi phòng hồi sức tích cực, tăng cường dinh dưỡng và sẽ xuất viện trong thời gian gần nhất.
Sốt xuất huyết không còn tấn công theo mùa
BS.CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue thông qua muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ diễn tiến nặng, có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mặc dù chưa tới mùa mưa nhưng hai tuần nay khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 đã tiếp nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng từ các tỉnh lân cận.
Khi trẻ sốt trên 24 giờ không giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám nhằm xác định bệnh. Đặc biệt cần theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm như: Nôn ói nhiều, xuất huyết da niêm, đau bụng, li bì, tiểu ít, tay chân lạnh. Nếu phát hiện trẻ không khỏe, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất tại địa phương để được xử trí ban đầu phù hợp, tránh việc di chuyển đường xa, thời gian lâu gây khó khăn cho việc điều trị sau đó.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh nhà cửa, tránh ao tù nước đọng, phát quang bụi rậm, không để muỗi chích (ngủ mùng, dùng kem xua muỗi, mặc quần áo dài tay…).