Tránh các thực phẩm gây kích ứng dạ dày
Nên tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo, các loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày như: đồ ăn nhanh, cà phê, rượu, đồ uống có ga, kem, sô cô la…
Bạn cũng nên tránh các thực phẩm và đồ uống nhiều axit, có vị chua như: chanh, cam, bưởi,… bởi chúng làm tăng tiết dịch ở dạ dày.
Hạn chế đồ ăn cay, nóng
Ăn đồ ăn cay, nóng hay các gia vị như: ớt, tỏi, tiêu… làm kích thích màng thực quản, khiến sự nóng rát trong dạ dày tăng lên. Cần hạn chế các thực phẩm này nếu không muốn tình trạng trào ngược dạ dày thực quản và các các bệnh lý về dạ dày trở nên nặng hơn.
Chia nhỏ khẩu phần ăn
Ăn khẩu phần nhỏ hơn vào mỗi bữa ăn cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh. Việc ăn các bữa ăn ít nhất 2 đến 3 giờ trước khi đi ngủ giúp axit trong dạ dày giảm xuống, thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn trước khi bạn ngủ.
Ăn chậm, nhai kỹ
Hãy dành thời gian cho mỗi bữa ăn. Thói quen ăn từ tốn, nhai kỹ không chỉ giúp bạn cảm thấy no lâu mà còn giúp kích thích hấp thu các chất dinh dưỡng và tiêu hóa tốt hơn, tránh đầy bụng, khó tiêu.
Gối đầu cao khi ngủ
Nằm ngửa và gối đầu cao vừa phải khoảng 15cm, sẽ giúp dạ dày của bạn nằm thấp hơn thực quản. Điều này hạn chế tối đa khả năng axit dạ dày bị đẩy ngược lên trên vùng thực quản.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân thường làm các bệnh lý trở nên trầm trọng hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm tình trạng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/dieu-chinh-loi-song-de-tranh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-1382306.ldo