Vào mùa dịch, phụ huynh vẫn chủ quan phát hiện bệnh
Liên tục bên cạnh con để chăm sóc, theo dõi những biểu hiện triệu chứng bệnh của bé suốt nhiều ngày qua, chị Trần Thị Thu Thủy (tỉnh Đồng Nai) chưa hết lo lắng.
Bé trai năm nay vừa tròn 3 tháng tuổi, trước đó ở nhà có anh trai bé đi học và mắc bệnh TCM nên gia đình có nghi ngờ bé bị lây bệnh từ anh trai. Ngày đầu tiên bé sốt cao liên tục, đến ngày thứ 2 bắt đầu xuất hiện những nốt nước ban đỏ trong miệng nên gia đình đưa bé đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám, tại đây bác sĩ cho rằng, bé không bị TCM mà cho thuốc về nhà uống.
“Đến nửa đêm thấy con sốt cao ngày thứ 2, và có nốt ban đỏ trong miệng nên gia đình ngay ngày hôm sau đưa bé đi Bệnh viện Nhi đồng 2 tại TPHCM khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán con tôi bị mắc bệnh TCM độ 2A cần nhập viện theo dõi”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bệnh nhi 3 tuổi đang nằm nghỉ để đợi bác sĩ chẩn đoán lần cuối trước khi cho xuất viện. Chỉ cách đây 5 ngày, bệnh nhi liên tục sốt cao, miệng có nhiều nốt đỏ bóng nước – biểu hiện bệnh TCM. “May mắn là gia đình thấy những biểu hiện này nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện, bác sĩ nói chậm một hôm nữa bé có thể diễn tiến xấu hơn”, chị Vương Thị Mỹ Hạnh mẹ bệnh nhi chia sẻ.
Cẩn trọng với biến chứng của bệnh TCM
Chỉ trong vòng một tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 liên tục mỗi ngày tiếp nhận từ 2-3 bệnh nhi nhập viện. Trong đó, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng độ 2A trở lên. Theo bác sĩ ThS.BS Nguyễn Đình Qui – Quyền Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, thời điểm này việc dịch bệnh TCM tăng là phù hợp với mùa nắng. Bệnh TCM tăng từ tháng 4-6 và 9-12. Nguyên nhân khách quan là do thời tiết nắng nóng, kèm hơi ẩm thì virus rất dễ phát sinh gây ra dịch bệnh TCM. Còn yếu tố chủ quan của người nhà lơ là quên đi dịch bệnh TCM, nên việc chăm sóc vệ sinh cho trẻ em hay đeo khẩu trang còn lơ là nên làm cho dịch bệnh tăng thêm.
Qua ghi nhận tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2, các dấu hiệu điển hình của bệnh TCM như bóng nước lòng bàn tay, bàn chân hoặc loét miệng kèm sốt cao thường phải nhập viện. “Bệnh nhi thường được gia đình cho nhập viện vào ngày thứ 2 hoặc 3 của bệnh. Bệnh TCM thường diễn tiến kéo dài khoảng 7-10 ngày. Đặc biệt, đối với những bệnh nhi có bệnh lý nền đi kèm đều có diễn biến phức tạp hơn so với những bệnh nhi đơn thuần mắc bệnh TCM. Ví dụ, trẻ mắc bệnh TCM nhưng có bệnh nền hen suyễn, viêm phổi hoặc tim bẩm sinh thì diễn tiến phức tạp hơn, bệnh có xu hướng trở nặng nhanh”, bác sĩ Qui nhấn mạnh.
Báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho thấy, từ ngày 1.4.2024 đến ngày 7.4.2024 (tuần 14), tại TP ghi nhận 184 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 51,1% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 14 là 1.968 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, Quận 6 và Quận 8.
Bà Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM – cho biết, trong tuần 14, TP cũng ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 6,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 14 là 2.442 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và quận Tân Phú.
Đối với người dân, ngành y tế khuyến cáo nên chủ động các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là trẻ em. Thực hiện tiêm chủng theo lịch đối với những bệnh đã có vaccine như: Sởi, quai bị, rubela… Cần rửa tay thường xuyên nhiều hơn nữa, và khi có trẻ có những dấu hiệu bệnh cần đưa trẻ đi khám, thông báo cho nhà trường để chủ động phòng bệnh.