Đi bộ là một trong những bộ môn tập thể dục đơn giản và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Đi bộ không chỉ giúp cải thiện sức khỏe về tim mạch, xương khớp mà còn tăng cường sức bền và tinh thần.
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích tối đa từ việc đi bộ, người cao tuổi cần biết cách đi bộ an toàn. Theo đó, các chuyên gia đến từ chuyên trang sức khoẻ Healthline đã chỉ ra một số cách cơ bản cho việc đi bộ đạt hiệu quả tốt.
Kiểm tra sức khỏe
Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện mới nào, người cao tuổi nên kiểm tra sức khỏe tổng thể và tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm đảm bảo tham gia bộ môn chạy bộ một cách tốt nhất hoạt động. Đừng bỏ qua những đánh giá từ bác sĩ để lựa chọn những bài tập phù hợp cho từng cá nhân.
Khởi động
Khởi động là bước quan trọng giúp cơ thể làm quen với bài tập cũng như giảm nguy cơ chấn thương. Người cao tuổi nên dành ít nhất 5 – 10 phút khởi động nhẹ nhàng trước khi bắt đầu đi bộ. Các bài tập khởi động có thể bao gồm xoay khớp cổ tay, cổ chân, vai và đầu gối, cùng với một số động tác kéo giãn cơ nhẹ nhàng.
Tăng tốc độ
Để tăng tốc độ đi bộ một cách an toàn, người cao tuổi nên bắt đầu từ tốc độ chậm và dần tăng tốc nhanh hơn. Điều này sẽ giúp cơ thể thích nghi tốt cũng như giảm nguy cơ gặp chấn thương. Theo đó, một vài gợi ý kế hoạch tăng tốc độ có thể áp dụng gồm:
Tuần 1-2: Đi bộ ở tốc độ bình thường, tập trung vào việc duy trì đi bộ đúng và thở đúng cách.
Tuần 3-4: Tăng tốc độ đi bộ nhẹ nhàng, mỗi lần đi bộ tăng nhanh khoảng 5-10% so với tuần trước.
Tuần 5 trở đi: Tiếp tục tăng tốc độ đi bộ theo từng giai đoạn phù hợp với cơ thể, giữ nguyên tốc độ trong vài ngày để cơ thể thích nghi trước khi tiếp tục tăng thêm.
Duy trì tư thế đúng
Tư thế đi bộ đúng không chỉ giúp tăng hiệu quả tập luyện mà còn giảm nguy cơ chấn thương. Người cao tuổi nên giữ lưng thẳng, không gù hoặc cong. Mắt nhìn thẳng về phía trước, không cúi gập cổ. Thả lỏng vai và tay, giữ cánh tay cong nhẹ và vung tự nhiên theo nhịp bước chân.
Lắng nghe cơ thể
Trong quá trình tăng tốc độ đi bộ, người cao tuổi cần lắng nghe cơ thể mình. Nếu cảm thấy mệt mỏi, đau nhức hay khó thở, hãy giảm tốc độ hoặc tạm ngừng để nghỉ ngơi. Việc lắng nghe cơ thể sẽ giúp ngăn ngừa bị chấn thương, tuyệt đối không cố tập quá sức.
Chế độ dinh dưỡng
Để hỗ trợ quá trình tập luyện, người cao tuổi nên duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý. Bổ sung đủ các nhóm chất dinh dưỡng như protein, vitamin, khoáng chất và lượng nước nhằm giúp cơ thể phục hồi tốt hơn sau mỗi buổi tập luyện.