Năm 2023, ngành Y tế TP Đà Nẵng đã nỗ lực trong thực hiện quy trình mua sắm đấu thầu vật tư y tế, hóa chất, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Đã có 170/180 gói thầu hoàn thành, đạt tỷ lệ 94,4% với giá trị là 265 tỉ đồng/306 tỉ đồng tổng giá trị gói thầu. Có 2.170 mặt hàng/3.148 mặt hàng trúng thầu, đạt tỷ lệ 69%. Giá thuốc được duy trì ổn định, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và bệnh nhân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khánh Vân – Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng đánh giá, việc tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đã được tập trung chỉ đạo, giải quyết căn cơ nhưng còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, các cơ sở y tế còn lúng túng trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm theo phân cấp, nên tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố chưa được giải quyết triệt để.
Bà Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng – lý giải, vấn đề để đảm bảo được thuốc, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh và công tác y tế không chỉ phụ thuộc vào công tác mua sắm đấu thầu mà phụ thuộc vào cả quá trình cung ứng thuốc từ nguyên liệu sản xuất, chất lượng của nhà máy sản xuất đến việc gia hạn cấp phép đăng ký lưu hành và chuỗi phân phối, lưu thông.
Thực tế trong thời gian qua, kết quả đấu thầu thì tỷ lệ không trúng thầu dao động trên dưới 20%, phải đấu thầu, tổ chức mua sắm lại dẫn đến gián đoạn thuốc và vật tư y tế ở một số cơ sở y tế. Chưa kể, khi đã đấu thầu, có kết quả rồi nhưng nhà cung ứng có những lúc gián đoạn do ảnh hưởng những yếu tố của chuỗi cung ứng sản xuất cũng khiến hàng về chậm.
Mặt khác, nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế rất biến động, phụ thuộc vào nhu cầu chữa bệnh từng thời kỳ, từng nơi.
Về thủ tục hồ sơ mua sắm, mặc dù đã có những văn bản tháo gỡ nhưng để có một hộ sơ mua sắm đấu thầu đầy đủ cho các đơn vị cũng là vướng mắc của nhiều nơi. Bởi, những văn bản quy định pháp luật hiện nay có sự điều chỉnh rất lớn làm cho các đơn vị cũng phải điều chỉnh theo khi tiến hành mua sắm.
“Sắp tới, Luật Đấu thầu 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2024, thay thế cho luật hiện hành. Do đó, trong thời gian tới, ngành Y tế rất mong Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như là các sở chuyên ngành hỗ trợ công tác triển khai kế hoạch đấu thầu mới để ngành y tế có thể triển khai phục vụ tốt theo quy định mới về công tác đấu thầu.
Bên cạnh đó, những trường hợp gián đoạn cung ứng thuốc tại các đơn vị cũng thực hiện theo quy định của ngành để có thể chỉ định sử dụng thuốc cũng như vật tư y tế thay thế, cũng như là phối hợp cho công tác chuyển tuyến quận huyện để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân đặc biệt là người dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế” – bà Thủy chia sẻ.