Thông tin trên được GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết tại Hội thảo Quản lý tăng huyết áp do Phân hội tăng huyết áp thuộc Hội tim mạch học Việt Nam tổ chức ngày 22.5.
Cũng theo GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng vì chúng thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước và thậm chí có người còn không biết mình bị bệnh. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng tạo gánh nặng, gây giảm năng suất lao động và dân số lao động tiềm năng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Để đối mặt với những thách thức và nhu cầu chưa được đáp ứng của bệnh nhân tại Việt Nam, cần thiết có các chiến lược và giải pháp ưu tiên để giải quyết tình hình này.
Tình trạng tăng huyết áp đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đã có khoảng 1,5 tỉ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp và mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong.
“Tăng huyết áp là vấn đề rất phổ biến trong cộng đồng, mỗi người trong chúng ta đều có thể là ứng viên cho căn bệnh này. Tuy không phải là bệnh lây nhiễm nhưng những biến chứng liên quan tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp gây ra như đột quị não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp, giảm thị lực không thể coi thường”, GS.TS.BS. Huỳnh Văn Minh chia sẻ thêm về bệnh nhân tăng huyết áp.
Tăng huyết áp, hay còn gọi là huyết áp cao, ảnh hưởng đến động mạch. Khi huyết áp cao, máu liên tục chảy trong động mạch với lực rất lớn, khiến tim khó bơm máu, gây ra nhức đầu dữ dội, đau ngực, chóng mặt, khó thở, lo lắng, buồn nôn và nhiều triệu chứng khác.
Các loại tăng huyết áp:
– Tăng huyết áp nguyên phát hoặc tăng huyết áp vô căn.
– Tăng huyết áp thứ phát.
– Tăng huyết áp ác tính
– Tăng huyết áp tâm thu đơn độc.