Rào cản lớn nhất chính là các cặp đôi vẫn chưa thực sự quan tâm, chưa có ý định khám sức khỏe trước khi kết hôn. Việc truyền thông cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác, đầy đủ về tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân thực sự cần thiết. Từ việc hiểu về lợi ích, họ sẽ sẵn sàng tự nguyện tham gia tùy theo nhu cầu và khả năng của mình.
Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân, thuộc vào nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Điều này dẫn đến việc cần nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Bộ Y tế chọn nội dung “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26.12).
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân Số (Bộ Y tế) cho rằng: Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng cấp một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Đây cũng là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, đất nước.
Thăm khám sức khoẻ tiền hôn nhân nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.
Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.
Tuy nhiên, công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người bạn đời, với xã hội, trách nhiệm tương lai cũng như thế hệ sau. Chính vì thế, nhiều chuyên gia đã đề xuất vấn đề “luật hóa” khám sức khỏe tiền hôn nhân để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số cho đất nước. Đề xuất này đã gây ra một số tranh luận trong dư luận xoay quanh việc có cần và có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không. Tuy mỗi người một quan điểm, nhưng không thể phủ nhận rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị cực kì quan trọng cho hôn nhân.